Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung thực hiện tốt, Đảng bộ Gia Viễn đã có nhiều giải pháp để đưa công tác này đạt chất lượng, hiệu quả. Bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015- 2020), Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, các đồng chí huyện ủy viên phụ trách địa bàn để đưa công tác này vào nền nếp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, tích cực đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo. Các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…đã bám sát địa bàn, điều tra, thống kê chính xác hộ hội viên, đoàn viên nghèo để có kế hoạch giúp đỡ đối với từng đối tượng hộ nghèo, từng xã nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Các đoàn thể đã duy trì và thực hiện tốt phương thức ủy thác cho vay để giúp các hộ gia đình có vốn phát triển kinh tế. Đến nay, đã có trên 5.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn. Để nguồn vốn phát huy được hiệu quả, các tổ chức đoàn thể còn hướng dẫn, tập huấn cho các hộ nghèo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả tốt nhất. Với sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các đoàn thể, có vốn phát triển sản xuất, các hộ nghèo đã có ý thức vươn lên, đổi mới cách nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tính tiền phong, gương mẫu của nhiều đoàn viên, hội viên đã thể hiện được vai trò nòng cốt và tích cực trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đi đầu trong việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, sản xuất. Trên cơ sở tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế của địa phương, Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành có liên quan đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện đã thúc đẩy phong trào trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn phát triển theo vùng như: mô hình lúa cao sản, đậu tương, khoai tây ở các xã Gia Trấn, Gia Thắng, Gia Phương; mô hình lúa, cá, chăn nuôi ở các xã Gia Minh, Gia Trung, Gia Thịnh; mô hình cây, con đặc sản như: chuối tiêu hồng, cây atiso, thanh long ruột đỏ, nuôi hươu, dê ở vùng đồi núi… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân. Cùng với những diện tích 2 vụ lúa cho năng suất ổn định, toàn huyện đã vận động người dân chuyển đổi những diện tích ruộng trũng và đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 1.148,1 ha, sản lượng đạt 2.415 tấn, tăng 0,33% so với cùng kỳ năm 2014. Các mô hình con nuôi đặc sản đạt hiệu quả kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, cá trắm đen tiếp tục được nhân rộng. Năm 2015 tổng diện tích cây trồng của huyện là 15.224,7 ha, vượt 2,04% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 72.688 tấn, đạt 99,2% kế hoạch. Giá trị sản phẩm trên ha canh tác đạt 85 triệu đồng, đạt 94,44% kế hoạch. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Phát huy lợi thế có Khu công nghiệp Gián Khẩu và khu du lịch núi chùa Bái Đính, huyện đã chỉ đạo các xã có điểm khu công nghiệp, khu du lịch liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người lao động được học nghề. Đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, huyện đã thu hút thêm 5 doanh nghiệp may mặc về sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Do đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được các địa phương, đoàn thể phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện tốt. Đồng thời, thông qua hoạt động dạy nghề của các đoàn thể, các nghề như: thêu ren, mộc, nề, cơ khí nhỏ, chẻ tăm hương…được duy trì và phát triển. Qua đó đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, có việc làm. Năm qua, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 10.300 lao động, vượt 35% kế hoạch. Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Gia Viễn giảm 0,41% so với năm 2014, còn 4,1%.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo nên đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt. Nhiều hộ nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn đã được quan tâm giúp đỡ. Năm qua, toàn huyện đã xây được 115 ngôi nhà cho đối tượng người có công theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ nguồn hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội và của huyện. Trong đó đã xây dựng được 3 ngôi nhà "Đại đoàn kết" với kinh phí 133 triệu đồng. Năm qua, người nghèo trên địa bàn huyện còn nhận được nhiều hỗ trợ về kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn ưu đãi học sinh, sinh viên, hỗ trợ tiền điện…
Bùi Diệu