Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Yên Mô, chúng tôi tìm về xã Yên Từ, một điểm sáng trong công tác dân vận của huyện. Đồng chí Phạm Văn Bẩy, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Khối Dân vận xã chia sẻ: Điểm nổi bật trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" năm qua là Yên Từ đã xây dựng và thực hiện thành công mô hình "Toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm".
Nhận thấy vấn đề an toàn thực phẩm đang được cả xã hội quan tâm, Khối Dân vận đã tham mưu cho Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào "Toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm" để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trong triển khai thực hiện, Yên Từ đã có cách làm rất cụ thể, bài bản. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 19 người, đồng thời xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các ngành, các lĩnh vực, các thôn, xóm. Ban chỉ đạo tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, đồng thời phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm" tới các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng, HTX, các thôn, xóm, đơn vị trường học, trạm y tế.
Đặc biệt, hội nghị có mời các dòng họ và đại diện các hộ chuyên sản xuất, chăn nuôi, chế biến, lưu thông lương thực, thực phẩm dự, thảo luận, thống nhất với các nội dung triển khai, cùng nhau ký kết giao ước thi đua thực hiện nghiêm túc phong trào. Đến nay, đã có 196/196 hộ gia đình chuyên sản xuất, chăn nuôi, chế biến, lưu thông đã ký cam kết không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc xây dựng mô hình "sản xuất sạch" được giao cho Hội Nông dân trực tiếp thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại Chi hội Nông dân xóm 2 thôn Phúc Lại với 15 hộ tham gia, diện tích là 3,6 ha và Chi hội Nông dân xóm Tây thôn Quảng Từ với 11 hộ tham gia, diện tích là 3,5 ha. Sau khi thành lập, các tổ hợp tác rau an toàn có quy chế thống nhất thường xuyên trao đổi kỹ thuật, liên kết chuyển giao khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Khối dân vận xã tham mưu cho UBND xã hỗ trợ 50 nghìn đồng/sào cho các hộ sử dụng phân vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học.
Cùng với đó, phân công cho các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn hướng dẫn, chỉ đạo các HTX vận động các hộ ký cam kết đảm bảo sản xuất rau an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, khi cần sử dụng thì thực hiện "4 đúng" đó là đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng và đảm bảo thời gian cách ly để đảm bảo rau an toàn; tiếp tục vận động các hộ thành lập HTX sản xuất rau an toàn để cùng nhau liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu rau sạch, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong HTX, tạo thu nhập cao và ổn định.
Nhờ "Dân vận khéo" với cách thức, phương pháp tuyên truyền hiệu quả đã giúp nhân dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ông Trần Sông Pha, xóm 1, thôn Phúc Lại cho chúng tôi biết: Gia đình ông có 1 mẫu luân canh 3 vụ trong năm. Ngoài 2 vụ lúa, vụ đông năm nay ông trồng các loại rau như: cà chua, su hào, bắp cải, đậu các loại…thu nhập bình quân 50 triệu đồng/sào. Tham gia Tổ hợp tác, cán bộ xã, thôn, HTX tích cực tuyên truyền, đến tận nhà vận động, bản thân các hộ cũng truyền nhau kinh nghiệm sản xuất an toàn, trồng rau an toàn để xây dựng thương hiệu rau quê hương và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Bẩy, Phó Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: "Dân vận khéo" chính là chìa khóa đem lại thành công trong công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở xã Yên Từ đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu với địa chỉ cụ thể, rõ ràng như: mô hình sản xuất cây vụ đông tập trung với diện tích trên 50 ha ở thôn Phúc Lại; mô hình trồng quýt, ổi của anh Cao Văn Bình tại xóm Chùa; mô hình trồng dưa chuột, mướp đắng, táo xen canh cây dưa của anh Nguyễn Văn Binh tại xóm Tây, thôn Quảng Từ; mô hình nuôi thỏ, dê và vịt trời của anh Nguyễn Văn Quý và anh Nguyễn Văn Hòa tại xóm Cầu. Trên lĩnh vực văn hóa có mô hình "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" tại thôn Nộn Khê, mô hình "Toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trộm cắp tài sản" do công an xã làm nòng cốt...
Từ thực tiễn ở Yên Từ có thể khẳng định công tác dân vận đã trở thành yếu tố quan trọng đem lại sự thành công khi thực hiện các phong trào, các chủ trương ở cơ sở.
Thùy Phương-Trường Giang