Đến thăm mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Hữu Hiệp, tổ 12 được chứng kiến việc canh tác ở những diện tích trước kia trồng lúa cho năng suất thấp giờ đã trở thành những diện tích canh tác mang lại giá trị cao, chúng tôi có dịp tìm hiểu về quá trình hình thành những khu vực canh tác mới này.
Anh Hiệp cho biết: Gia đình tôi triển khai mô hình nuôi cá+ trồng sen từ đầu năm 2016 sau khi được chứng kiến các hộ gia đình khác trong xã thực hiện thành công mô hình này. Bắt tay vào thực hiện mô hình với diện tích hơn 1,3 mẫu, anh Hiệp được các hộ đi trước hướng dẫn chi tiết cách thức nuôi trồng, kỹ thuật nuôi cá cũng như phương thức tiêu thụ… nên khá yên tâm khi thực hiện.
Bước đầu, anh áp dụng mô hình cá + sen kết hợp nuôi 1.000 con vịt. Riêng vụ sen thu hoạch vào mùa hè vừa qua cho thu nhập 30 triệu đồng. Dự kiến tháng 12 cho thu hoạch khoảng 1 tấn cá, có thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng. Còn đàn vịt, thu hoạch từ trứng và vịt thương phẩm cũng đem lại một khoản thu nhập khá.
Kết quả từ việc triển khai mô hình khiến gia đình anh Hiệp vô cùng phấn khởi và mong muốn nếu có thêm diện tích sẽ mở rộng mô hình. Để duy trì mô hình, anh Hiệp mày mò học hỏi việc áp dụng khoa học kỹ thuật, tìm nguồn con giống có năng suất cao, thức ăn đảm bảo chất lượng. Do đó, sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng bởi cá được nuôi thả tự nhiên, không cho ăn thức ăn công nghiệp nên nhiều thương lái tín nhiệm, tìm đến tận nơi thu mua…
Theo đồng chí Trịnh Thị Kim Dung, Phó Bí thư Đảng ủy phường: Trên địa bàn phường Tân Bình có hơn 200 ha đất nông nghiệp chủ yếu là ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Đồng ruộng nơi đây cũng manh mún, nhiều ô thửa nhỏ nên khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn tới cho hiệu quả kinh tế không cao.
Với chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, Đảng ủy phường đã chỉ đạo khối dân vận xây dựng mô hình "dân vận khéo" vận động nhân dân chuyển đổi mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hướng mục tiêu bao phủ diện tích kém hiệu quả trở thành những diện tích cho giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân làm giàu trên đồng đất quê hương.
Để thực hiện chủ trương này, sau khi thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa, số ô thửa nhỏ/hộ đã giảm mạnh, tạo điều kiện tập trung ruộng đất cho canh tác, khối dân vận phường đã đẩy mạnh vận động người dân tham gia chuyển đổi mô hình. Từ năm 2015, ban đầu có hơn 20 hộ tham gia chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen kết hợp với thả cá, trồng 1 vụ lúa ăn chắc, thả 1 vụ cá kết hợp chăn nuôi vịt, lợn… cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa.
Đến nay, có 50 hộ triển khai làm theo mô hình với diện tích 150 ha. Trong đó có 50 ha cá + sen, 100 ha lúa + cá, thu nhập từ các mô hình tương đối khá: đối với cá+ sen thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha, đối với lúa+ cá thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha, tăng gấp 3 lần giá trị so với chỉ trồng lúa như trước kia. Nguồn tiêu thụ của sản phẩm từ các mô hình khá ổn định, thương lái tìm về tận ruộng để mua do sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Hiện các hộ thực hiện mô hình đang tính tới việc hình thành nhóm liên kết sản xuất từ khâu nguyên liệu đến kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Hiệu quả từ việc chuyển đổi mô hình kinh tế trang trại, gia trại là cơ sở để khối dân vận phường Tân Bình tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi mô hình kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Lý Nhân