Chương trình giảm tải phù hợp ở tất cả các cấp học
Theo đánh giá của giáo viên và học sinh các trường THPT, hầu hết tiết học được giảm tải khá hợp lý. Những nội dung được lược bỏ và tích hợp lại không ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành năng lực và kết quả tiếp cận kiến thức của học sinh. Điều đó cũng khiến giáo viên và học sinh yên tâm hơn.
Là người trực tiếp giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thúy Hà, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nho Quan C chia sẻ: "Kiến thức môn Ngữ văn được giảm tải khá nhiều, giảm từ 5-7 tuần. Các tác phẩm ít thi đều được giảm tải, các tác phẩm quan trọng được giữ lại; học sinh tự học ở nhà những bài luyện đọc, đọc thêm; một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Đối với bộ môn Ngữ văn, tôi thấy chương trình giảm tải phù hợp, đảm bảo cho giáo viên và học sinh không bị áp lực và lo lắng...".
Em Bùi Thị Lụa, học sinh lớp 12C, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng và cô giáo chủ nhiệm thông báo, chúng em đã nắm được nội dung giảm tải chương trình học kỳ II năm học 2019-2020. Hiện nay, chúng em đã đi học trở lại được gần 2 tuần, việc tinh gọn nội dung học được cắt, gộp bớt những nội dung trùng lặp, kiến thức nâng cao, không ảnh hưởng đến chuẩn kiến thức phổ thông nên chúng em rất yên tâm, tích cực học tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Còn nếu bạn nào muốn học tập nâng cao hơn chuẩn kiến thức để xét tuyển vào các trường Đại học, thì còn nhiều kênh khác để học, như học trực tuyến, qua mạng xã hội…
Còn với bậc THCS, nhiều trường cho rằng, chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT vừa ban hành thực sự giảm tải và đúng với mục tiêu đề ra đó là rút ngắn thời gian học từ 5-7 tuần, trong đó đã giảm tải các nội dung liên quan đến trải nghiệm, thực hành thí nghiệm…. Ngoài ra, Bộ đã giữ lại kiến thức cốt lõi cô đọng và không đưa vào nhiều kiến thức trong các bài thi, bài kiểm tra về sau. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) cho rằng, chương trình giảm tải bậc THCS hoàn toàn phù hợp với tình hình học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với những nơi các điều kiện về tự học, học qua các hình thức trực tuyến còn có mức độ. Tất cả các môn học đều được giảm tải nội dung không cần thiết, nội dung thực hành, vì vậy, giúp giáo viên và học sinh bớt áp lực thực hiện chương trình; đồng thời tạo thuận lợi cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp tập trung thời gian ôn thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10 THPT...
Đối với chương trình tiểu học, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có 9 môn được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Thủ công/Kỹ thuật, Thể dục. Các nội dung được tinh giản nhưng không bỏ hẳn mà yêu cầu học sinh tự học ở nhà với sự hướng dẫn của giáo viên và sự hỗ trợ của phụ huynh. Đặc biệt, đối với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2.
Theo cô giáo Lương Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình), chương trình giảm tải bậc Tiểu học của Bộ GD&ĐT là chương trình dạy chung của toàn quốc, còn đối với nhiều trường Tiểu học dạy theo chương trình mới với lớp 1 dạy là Công nghệ giáo dục và các khối lớp 2, 3, 4, 5 dạy theo chương trình VNEN có gặp khó khăn, đòi hỏi các trường phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học, bám sát với chương trình giảm tải để điều chỉnh đảm bảo phù hợp với chương trình chung của Bộ.
Theo nhận định của các cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến THPT, việc giảm tải chương trình học là chủ trương cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các nhà trường cũng cần tính toán, áp dụng phù hợp với điều kiện của nhà trường (do mức độ học tập trong thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19 ở các trường khác nhau) để đạt được 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo thời gian hoàn thành năm học và chất lượng giáo dục. Vì vậy, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi trường để lựa chọn nội dung giảm tải cho phù hợp, từ đó giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức trong thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19.
Thực hiện dạy và học đồng bộ, hiệu quả
Nhà giáo Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Ngày 31/3, Bộ GD&ĐT đã có công văn về việc điều chỉnh nội dung học kỳ II năm học 2019-2020 đối với cấp Tiểu học, THCS, THPT sau khi học sinh đi học trở lại. Theo đó, tinh giản một số nội dung các môn học giúp các trường hoàn thành chương trình giáo dục ở 3 cấp học theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh. Việc tinh giản được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng cho học sinh để các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau; đảm bảo thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học. Tất cả các môn học ở cấp Tiểu học, THCS, THPT đều có hướng dẫn rất cụ thể chi tiết, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt.
Ngay sau khi có Công văn của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II, năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng chức năng và Tổ tư vấn chuyên môn Giáo dục phổ thông (gồm giáo viên cốt cán từ Tiểu học đến THPT) thực hiện xây dựng bộ khung chương trình, nội dung giảm tải theo hướng dẫn của Bộ, gửi các đơn vị trực thuộc và phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tham khảo, thực hiện, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học đúng thời gian quy định, xong trước ngày 15/7.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường cần rà soát nội dung dạy học các môn học học kỳ II trong kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 của nhà trường để thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học. Trong quá trình thực hiện, đối với các nội dung "Không dạy", "Không thực hiện"; "Không yêu cầu", "Không làm", "Không bắt buộc", "Không thực hành" thì không tổ chức dạy học. Đối với các nội dung "Tự học có hướng dẫn", "Tự làm có hướng dẫn", "Tự đọc có hướng dẫn", "Hướng dẫn tự ôn tập", "Hướng dẫn thực hành ở nhà", "Hướng dẫn tự đọc và thực hành ở nhà", yêu cầu giáo viên phải có hướng dẫn phù hợp với đặc thù bộ môn để học sinh thực hiện. Từ đó có được những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi phục vụ việc học tập tiếp theo; chú ý vấn đề an toàn cho học sinh trong quá trình thực hiện. Đối với nội dung "Khuyến khích học sinh tự học" (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện), căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực của học sinh, sự liên quan của kiến thức, kỹ năng trong phần được hướng dẫn "Khuyến khích học sinh tự học" với chương trình tiếp theo để lựa chọn nội dung phù hợp, hướng dẫn, khuyến khích học sinh thực hiện.
Khi học sinh đi học trở lại, cần bố trí thời lượng phù hợp để thực hiện việc rà soát, ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng ở các phần học sinh đã học; dạy học các nội dung chưa học và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ. Đặc biệt, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn 5842 của Bộ GD&ĐT và các nội dung "Không dạy", "Không làm", "Không thực hiện"; "Khuyến khích học sinh tự học" theo Công văn số 1113, ngày 31/3/2020 của Bộ GD&ĐT....
Hiện nay, tất cả học sinh từ bậc Tiểu học, THCS đến THPT trong toàn tỉnh đều đã đi học trở lại. Với việc chuyển một phần đáng kể nội dung chương trình sang phần tự học có hướng dẫn đối với các bậc học THCS, THPT và tự học có sự hỗ trợ của phụ huynh đối với bậc Tiểu học được coi giải pháp trước mắt, phù hợp với tình hình thực tế vừa qua phải nghỉ học dài ngày do dịch bệnh COVID-19. Nếu duy trì và thực hiện tốt cách dạy và học này, thì đây là cơ hội để phát huy tối đa năng lực, giúp các em học sinh chủ động trong việc tự học, tự đọc, đồng thời giúp giáo viên bổ sung thêm kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm thông qua việc hướng dẫn và kiểm tra học sinh tự học bằng nhiều hình thức. Cách dạy và học này được đánh giá là tiệm cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai trong những năm học tới.
Mỹ Hạnh