Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Nam Thành (thành phố Ninh Bình) vào một ngày trời rét đậm, nhiệt độ ngoài trời được cơ quan khí tượng thủy văn thông báo chỉ 10,1 độ C.
Chị Nguyễn Thị Hương Liên, phố Phúc Trì, phường Nam Thành đưa con trai 4 tuổi đến lớp học muộn gần 30 phút hơn so với ngày bình thường, chia sẻ: Trời rét quá, mà cho con nghỉ học thì không được. Bởi, bố mẹ đều phải đi làm, có bà nội ở nhà nhưng không còn khỏe để trông coi cháu được.
Thời tiết lạnh thế này, cháu ở nhà xem ti vi nhiều hoặc nô nghịch, ăn mặc phong phanh dễ bị ốm hơn. Tôi đưa con đến lớp học, thấy yên tâm khi các cửa được che rèm kín, lớp học trải thảm nên rất ấm áp, có nước ấm để uống và rửa tay chân vệ sinh, các hoạt động vui chơi, học tập, sinh hoạt cá nhân đều được thực hiện khép kín... Tôi yên tâm khi cho con đi học, chỉ chú ý đảm bảo mặc đủ ấm cho cháu khi đi từ nhà đến trường....
Cô giáo Ngô Thị Hằng, giáo viên lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Những ngày thời tiết rét đậm, tỷ lệ học sinh đến lớp cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, các hoạt động dạy và học vẫn được duy trì, chủ yếu trong phạm vi phòng học kín, đủ ấm. Tại các phòng học đều được che chắn rèm mành, đóng kín các cửa sổ, nhất là nơi gió lùa trực tiếp. Phòng học và ăn, ngủ có bình nóng lạnh để thường xuyên, đảm bảo đủ nước ấm cho trẻ vệ sinh thân thể, tay chân. Nước uống được ủ ấm trong bình giữ nhiệt.
Cùng với đó, bữa ăn được tăng cường dinh dưỡng, nóng sốt, dễ ăn, tăng sức đề kháng cho trẻ. Giờ ngủ trưa cũng được chúng tôi được bố trí nơi ấm, kín gió, có đủ chăn ấm, sạch sẽ... Nói chung, các hoạt động chăm sóc trẻ những ngày rét đậm càng được quan tâm hơn, đảm bảo cho trẻ được học tập, sinh hoạt, ăn ngủ trong điều kiện tốt nhất, giữ gìn được sức khỏe và phòng chống các bệnh mùa đông cho trẻ
Tại nhiều trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình, những ngày rét đậm, một số quy định và nội quy nền nếp trường, lớp được nới "lỏng" hơn. Như học sinh đến đúng giờ hoặc muộn một chút, được động viên vào lớp ngay, không bắt buộc các em mặc đồng phục những ngày rét đậm...
Cô giáo Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Những ngày thời tiết rét đậm, nhà trường có sự thay đổi một số quy định cho các học sinh và phụ huynh, nhất là về giờ giấc và ăn mặc, mục đích đảm bảo đủ ấm và giữ sức khỏe cho học sinh.
Nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung ngoài trời, các lớp học có tiết giáo dục thể chất nếu thời tiết quá lạnh cũng không tổ chức các giờ học thể dục ngoài trời. Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông báo đến các phụ huynh về quy định học sinh được nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ C…
"Hiện nay, để chủ động trong việc phòng, chống các loại bệnh dịch mùa đông, công tác giữ gìn sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh được nhà trường quan tâm, coi đó là việc làm thường xuyên, cần thiết. Đặc biệt, trong những thời điểm, thời tiết thay đổi bất thường thì việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh càng phải được tăng cường, chú trọng.
Ngoài việc giữ ấm, kín gió các phòng học, việc chuẩn bị các suất cơm bảo đảm nóng, đủ dinh dưỡng và chăn ấm cho học sinh bán trú cũng được nhà trường lưu ý. Hiện nay, Trường thường xuyên có khoảng 1 nghìn học sinh ăn bán trú. Thực đơn hàng ngày được xây dựng từ đầu tuần, bảo đảm đủ dinh dưỡng, chế độ ăn phù hợp với mùa đông. Đặc biệt, thức ăn được nấu chín kỹ, an toàn vệ sinh và được chuyển đến học sinh ăn khi vẫn còn nóng sốt. Nơi ngủ trưa của học sinh có đầy đủ chăn ấm…" - cô Phạm Thị Thủy chia sẻ thêm.
Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, để bảo đảm sức khỏe và chủ động phòng, chống rét cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo các trường Mầm non, Tiểu học, THCS thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để có các biện pháp chủ động phòng, chống.
Đồng thời yêu cầu các nhà trường bảo đảm phòng học kín gió, hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời. Đối với những trường học có tổ chức ăn bán trú, phải bảo đảm bữa ăn nóng sốt, trang bị đủ chăn ấm cho học sinh. Trong những ngày trời rét đậm, rét hại, cùng với nhà trường, các phụ huynh học sinh chú ý mặc ấm cho con em mình, đặc biệt khoảng thời gian đi đến trường và từ trường về nhà. Trong điều kiện các trường chưa có nước ấm, các phụ huynh có thể chuẩn bị bình nước giữ nhiệt cá nhân để các em uống nước ấm trong thời gian ở trường…
Dự báo trong mùa đông năm nay vẫn còn nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học trên địa bàn phối hợp tốt với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh và thực hiện nghỉ học đúng quy định.
Theo đó, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, các trường học cần đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo phòng học đủ ánh sáng, tránh gió lùa. Thường xuyên nhắc nhở học sinh mặc quần áo đủ ấm, không bắt buộc mặc đồng phục, không tổ chức các hoạt động tập trung ngoài trời vào những ngày thời tiết rét đậm, rét hại. Đối với các trường nội trú hoặc tổ chức ăn bán trú, cần đảm bảo suất ăn, chế độ ăn hợp lý, thức ăn nóng sốt, chỗ nghỉ ấm áp, sẵn sàng các loại thuốc phục vụ công tác y tế học đường...
Về thực hiện quy định nghỉ học, các trường học căn cứ tình hình thời tiết thực tế tại địa phương, theo dõi các thông tin về dự báo thời tiết, chủ động quyết định cho học sinh Mầm non, Tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 7 độ C trở xuống.
Trong những ngày nghỉ do thời tiết rét đậm, rét hại, các trường học phải bố trí lực lượng trực để quản lý, nhắc nhở những học sinh vẫn đến trường, đồng thời đảm bảo mọi hoạt động hành chính của nhà trường diễn ra bình thường.
Đồng thời, sau những ngày nghỉ rét, căn cứ vào điều kiện cụ thể nhà trường cần chủ động bố trí việc dạy và học cho phù hợp; có kế hoạch dạy bù hợp lý, đảm bảo kế hoạch thời gian năm học, không dạy dồn tiết hoặc cắt xén chương trình.
Bài, ảnh: Hạnh Chi