Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường THPT trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó đảm bảo các điều kiện trong điều chỉnh lại chương trình môn Lịch sử cấp THPT.
Đồng chí Bùi Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A cho biết: Theo Chương trình GDPT hiện hành (2006), môn Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm đối với lớp 10, lớp 12 và 35 tiết/năm đối với lớp 11. Đối với Trường THPT Yên Khánh A, ngoài nội dung bắt buộc như trên, nhà trường còn tổ chức dạy học dự án, chuyên đề chuyên sâu cho học sinh có định hướng các môn KHXH.
Kết quả điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử luôn đứng ở thứ hạng cao trong tỉnh (năm 2020 xếp thứ 4, năm 2021 xếp thứ 2 và năm 2022 xếp thứ 3). Chuẩn bị cho năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, trong đó có môn Lịch sử, Trường THPT Yên Khánh A tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh nội dung của Chương trình GDPT 2018; đặc biệt sau khi có chủ trương của Bộ GD&ĐT chuyển môn Lịch sử thành môn học bắt buộc.
Theo đó, qua nhiều kênh thông tin nhà trường để giải thích và hướng dẫn cho học sinh và phụ huynh lựa chọn các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực sở trường của người học.
Với đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu chương trình môn Lịch sử lớp 10 năm học 2022-2023, tham gia đóng góp ý kiến điều chỉnh nội dung chương trình đang từ là môn tự chọn với thời lượng 70 tiết/năm thành môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm. Các giáo viên đã nhanh chóng nắm bắt và sẵn sàng thực hiện chương trình môn Lịch sử ngay khi năm học mới bắt đầu.
Cô giáo Lại Thị Liên, nhóm trưởng nhóm Lịch sử, Trường THPT Yên Khánh A cho biết: Hiện tất cả giáo viên tham gia giảng dạy môn Lịch sử của Trường đều được tập huấn về Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 theo chương trình, sách giáo khoa trường chọn giảng dạy cho năm học 2022-2023.
Nhóm giáo viên Lịch sử cũng đã họp trao đổi xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện quy chế chuyên môn, nội dung giảng dạy đúng quy định của ngành, phù hợp với điều kiện nhà trường; kế hoạch môn học được xây dựng, điều chỉnh phù hợp (từ 70 tiết xuống còn 52 tiết) với chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên và điều kiện thực tế trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt tại nhà trường...
Đối với Trường THPT chuyên, việc triển khai dạy và học môn Lịch sử theo giảm tải chương trình cũng được nhà trường, giáo viên chủ động triển khai.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoàng Vân, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Đối với lớp chuyên Sử, ngoài chương trình cốt lõi (52 tiết), sẽ học thêm chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết) và nội dung chuyên sâu giành cho học sinh chuyên Sử (chiếm 50% số tiết của chương trình môn học theo Chương trình GDPT 2018).
Đối với các lớp chuyên còn lại sẽ học chương trình cốt lõi của Chương trình GDPT 2018 khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc (52 tiết). Lớp nào lựa chọn môn Sử là chuyên đề lựa chọn sẽ học thêm 35 tiết chuyên đề học tập nữa.
Như vậy, ở Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy sẽ có 3 đối tượng học là: 100% học sinh sẽ học phần học chương trình cốt lõi; một số lớp có thể lựa chọn chuyên đề học tập; lớp chuyên Sử sẽ học cả cốt lõi, chuyên đề học tập và chuyên đề chuyên sâu.
Nhà trường đã họp và đưa ra dự kiến nhóm các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên nghiên cứu kĩ nội dung Chương trình GDPT 2018 của bộ môn theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT sau khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Từng bước dự kiến phân công chuyên môn cho giáo viên để chủ động bước vào năm học mới.
Theo sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Đảm bảo đủ đội ngũ giảng dạy môn Lịch sử tại trường. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 27/27 Trường THPT (25 trường công lập và 2 trường tư thục) thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Toàn tỉnh có 101 giáo viên dạy môn Lịch sử, có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó 24 giáo viên có trình độ trên chuẩn. Ngay sau khi có Kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT trong tỉnh nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 của bộ môn Lịch sử.
Đồng thời, Sở GD&ĐT đã có văn bản số 982, ngày 20/7/2022 gửi Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT về việc góp ý điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cấp THPT. Như vậy, theo chương trình điều chỉnh môn Lịch sử so với chương trình GDPT hiện hành chỉ tăng 0,5 tiết/1 khối lớp 11, so với điều kiện dạy và học tại các trường THPT hiện nay trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn.
Từ năm học 2016-2017, thực hiện kế hoạch giáo dục, các nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra, đánh giá bộ môn Lịch sử. Ngành Giáo dục đã chỉ đạo xây dựng nhiều chủ đề dạy học gắn liền với trải nghiệm di sản địa phương. Trong các nhà trường đều sử dụng 24 đĩa phim phóng sự tài liệu về Chuyện kể lịch sử Ninh Bình. Các trường học còn phối hợp với Bảo tàng Ninh Bình cho học sinh học môn lịch sử tại Bảo tàng và đưa các hiện vật lịch sử về các trường.
Sở GD&ĐT đã xây dựng 1 đề tài cấp tỉnh về "Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hóa địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông tỉnh Ninh Bình" và dự án "Quản lý và tổ chức dạy học tích hợp theo chủ đề bảo tồn di sản văn hóa địa phương tại các trường THPT tỉnh Ninh Bình".
Chất lượng giáo dục đại trà qua các kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT tỉnh Ninh Bình 5 năm gần đây đều nằm trong tốp 5 toàn quốc về điểm trung bình môn Lịch sử.
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn môn lịch sử nhiều học sinh đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và khu vực Đồng bằng Duyên hải Bắc bộ.
Hiện nay, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã sẵn sàng cho việc dạy và học môn Lịch sử theo chương trình bắt buộc, theo hướng giảm tải từ 70 tiết tự chọn xuống còn 52 tiết bắt buộc. Hiện ngành cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên dạy môn Lịch sử. Giáo viên tiếp tục nghiên cứu chương trình để thực hiện công tác giảng dạy đạt hiệu quả, chất lượng.
Hồng Vân