Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và ban hành Nghị quyết giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể. Theo đó, các cấp, các ngành đã tập trung làm tốt công tác rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân nghèo và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn và thiếu nghề. Từ đây, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về công tác giảm nghèo. Với quan điểm "cho cần câu hơn xâu cá", giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, công tác dạy nghề luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện. Trong năm đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 17.000 người, đạt 100% kế hoạch năm (đào tạo dài hạn là 5.000 người, đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 12.000 người), trong đó hỗ trợ đào tạo nghề từ ngân sách Nhà nước là 1.332 người, đào tạo nghề phi nông nghiệp là 803 người, đào tạo nghề nông nghiệp là 529 người. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 43%.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chủ động hướng dẫn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hướng dẫn các cơ sở dạy nghề rà soát giấy phép hoạt động dạy nghề và chuẩn bị các điều kiện, thủ tục hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo Thông tư số 25/2015/TT - LĐTBXH.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở đủ điều kiện hoạt động dạy nghề, trong đó có 4 trường Cao đẳng; 4 trường Trung cấp; 15 Trung tâm và 7 cơ sở dạy nghề. Sở đã hướng dẫn 6 đơn vị bổ sung dạy 19 nghề, như: kế toán doanh nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, vận hành máy gặt đập liên hợp, vi tính văn phòng, khâu chăn bông xuất khẩu, xây dân dụng, mộc dân dụng…
Đặc biệt, năm nay tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, góp phần tạo nhiều việc làm mới và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề như: dự án dạy nghề cho lao động nông thôn; dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; dự án phát triển thị trường lao động… được các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ.
Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đó, trong năm 2016, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21.000 lao động (vượt 8,25% kế hoạch năm).
Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo của Nhà nước đã được các cấp trong tỉnh thực hiện đến 100% các xã. Có vốn trong tay, người dân đã tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, nhất là người dân ở những vùng khó khăn của tỉnh.
Bên cạnh đó, các chính sách đối với người nghèo như: Hỗ trợ BHYT, hỗ trợ tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo, trợ giúp pháp lý… cũng được các địa phương trong tỉnh nghiêm túc thực hiện. Riêng trong năm 2016, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội triển khai cấp 196.599 thẻ BHYT cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người dân vùng đặc biệt khó khăn và người dân các xã bãi ngang ven biển; hỗ trợ tiền điện cho 38.755 lượt hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,8 tỷ đồng.
Công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh được chú trọng với các chương trình như: Vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, phân công trợ giúp xã nghèo, huy động các tổ chức, đoàn thể tham gia hoạt động giảm nghèo cho hội viên… Qua đó, đã góp phần tích cực vào việc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác giảm nghèo, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, công tác bảo trợ xã hội… được tỉnh ta quan tâm thực hiện đầy đủ, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Tỉnh ta cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng cho 40.456 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 132 tỷ đồng, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Điều chỉnh trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng theo Thông tư liên tịch số 06/2016 của Liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính cho 31.192 đối tượng với tổng kinh phí gần 49 tỷ đồng. Đặc biệt, đã thành thông lệ, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh lại tất bật chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách đảm bảo mọi người đều có Tết.
Đào Hằng