Để giúp các bạn học sinh có những định hướng đúng trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh trong việc lựa chọn thi vào các trường ĐH, CĐ hay THCN, hay đi học nghề cho phù hợp.
Trường THPT Ngô Thì Nhậm (thị xã Tam Điệp), có đặc thù là một trường bán công chuyển sang công lập, vì vậy nguồn tuyển và chất lượng đầu vào còn hạn chế. ý thức được điều đó, hàng năm công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp được nhà trường quan tâm. Ban tư vấn hướng nghiệp của nhà trường đã tổ chức 1 đến 2 buổi về các vấn đề hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 12. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệmlớp thường xuyên tư vấn, giải đáp các câu hỏi của học sinh về các vấn đề định hướng nghề nghiệp…
Các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh thật sự rất hữu ích, giúp học sinh và gia đình có những định hướng chính xác về nghề nghiệp cho con em mình, tránh mơ hồ, ảo tưởng khi thi vào các ngành học ít có giá trị thực tiễn, nhu cầu xã hội thấp. Thông qua hoạt động hướng nghiệp, nhiều học sinh có học lực yếu đã lựa chọn việc học nghề, số lượng học sinh có học lực diện này dự thi đại học giảm dần qua các năm.
Năm 2013 Trường THPT Ngô Thì Nhậm có 70/246 học sinh lớp 12 đăng ký thi vào các trường cao đẳng nghề. Năm 2014 nhà trường có 5 lớp 12 với 183 học sinh thì có 2 lớp số học sinh có học lực kém hơn nên đã đăng ký dự thi vào các trường nghề, số lượng này chiếm khoảng 20% số thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của toàn trường.
Không chỉ có các trường THPT, hoạt động hướng nghiệp được quan tâm mà từ phía các trường nghề, công tác tuyển sinh liên tục được cải tiến để mang đến sự thuận lợi và cơ hội cho các thí sinh. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều địa chỉ đào tạo để học sinh lựa chọn: Trường Cao đẳng nghề Lilama I; Trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt-Xô; Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình; Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật tại chức; Trường Trung cấp Công nghệ y tế Pasteur; Trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng… Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết quả tuyển sinh năm 2013 của 5 trường trên có 1.918 học sinh trúng tuyển, số đã nhập học gần 1.700 em.
Các cơ sở đào tạo không chỉ tổ chức công tác tuyển sinh tại trường mà còn có các đầu mối tuyển sinh tại các địa phương, tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh trong khâu đăng ký dự tuyển, các hồ sơ thủ tục. Ngoài ra, nhiều trường không ngừng hoàn thiện các cơ sở vật chất, mở nhiều ngành nghề mà các nhà tuyển dụng đang cần để nâng cao khả năng có việc làm của học sinh, sinh viên khi ra trường.
Theo ông Nguyễn Thành Chung, Phó phòng đào tạo, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt-Xô cho biết: Nhà trường được giao 2.500 chỉ tiêu trong đó cao đẳng nghề 1.000 chỉ tiêu, TCCN 500 chỉ tiêu, Trung cấp nghề 1.000. Hàng năm trường đều tổ chức tư vấn và quảng bá tuyển sinh tại nhiều địa phương, các trường THPT, Trung tâm GDTX trong tỉnh. Thời hạn nhập học các khóa cũng linh hoạt và kéo dài tạo điều kiện tối đa cho người dự tuyển. Trong khi nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học đang chật vật khi tìm việc làm thì nhiều ngành nghề của trường khi còn đang đào tạo đã có nhiều công ty, doanh nghiệp tìm đến để "đặt hàng" lao động như: Công ty cổ phần CaTaLan (Yên Phong, Bắc Ninh); Công ty cổ phần Lilama 5 (Bỉm Sơn, Thanh Hóa); Tổng công ty cơ điện xây dựng- CTCP (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội)… Cũng theo ông Nguyễn Thành Chung, các nghề vận hành máy công trình như lái máy xúc, máy ủi, ngành hàn của nhà trường tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp có việc làm rất cao.
Thực tế việc ngày càng nhiều gia đình học sinh lựa chọn thi tuyển vào các trường nghề mang lại nhiều lợi ích: tiết kiệm chi phí cho gia đình, mang lại cơ hội có việc làm trong khi thời gian học lại ngắn, các kỹ năng được đào tạo không quá khó, phù hợp với trình độ của bản thân người học...
Tuy nhiên, kết quả thi vào các trường nghề những năm qua vẫn còn kiêm tốn. Việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh trong tỉnh cũng gặp những khó khăn: Tư tưởng "sính" bằng cấp, không coi trọng việc học nghề, sự nhận thức còn hạn chế của nhiều phụ huynh và chính bản thân người học.
Vẫn còn một số trường cao đẳng nghề, THCN còn chậm cải tiến chất lượng đào tạo, dẫn đến sinh viên ra trường nhưng tay nghề kém, không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, công tác tuyển sinh chưa năng động, không thu hút được học sinh theo học. Và trong tình trạng cạnh tranh tuyển sinh khốc liệt hiện nay các trường cũng buộc phải thay đổi để tồn tại.
Đánh giá của Sở GD&ĐT về công tác tuyển sinh TCCN năm học 2013 đối với các trường TCCN và các cơ sở có đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho biết: "năm 2013 tuyển sinh TCCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cả bốn trường TCCN các cơ sở có đào tạo trên địa bàn tỉnh đều không tuyển sinh được 100% chỉ tiêu đã được tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong kế hoạch.
Cụ thể Trường Cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt-Xô đạt 66,13% , Trường cao đẳng Y tế Ninh Bình đạt 35,3%; Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật tại chức đạt 30,7%; Trường Trung cấp công nghệ y tế Pasteur 28,76%; Trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng năm đầu tiên tuyển sinh chỉ đạt 14,6%". Mặt khác thực tiễn tuyển dụng lao động cho thấy các doanh nghiệp đang cần những công nhân lành nghề chứ không phải các "ông cử, bà cử" với kỹ năng chỉ là mớ lý thuyết "suông", không có khả năng lao động thực tế.
Thời điểm này cũng là thời điểm mà các trường THCN, dạy nghề trên toàn tỉnh chuẩn bị cho mùa tuyển sinh. Để có một ngành nghề phù hợp cho tương lai, mỗi học sinh và gia đình có những cân nhắc lựa chọn phù hợp. Bởi xét cho cùng dù là học nghề hay học đại học, cao đẳng mục tiêu cuối cùng cũng là có được việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Mai Phương