Khi mỗi người làm du lịch là một tuyên truyền viên tích cực Đến Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, giữa trưa đầu hè, khi cái nắng gắt đang dần lan tỏa mới là lúc Trung tâm đón lượng lớn du khách nước ngoài trong ngày. Theo chân một đoàn khách đến từ CHLB Đức từ cổng vào Khu di tích, qua đền vua Đinh, vua Lê… chúng tôi có dịp được chứng kiến tinh thần làm việc, đón khách của cán bộ, nhân viên nơi đây. Cô thuyết minh viên Nguyễn Thị Hưng vừa dẫn khách vào thăm quan di tích, vừa hào hứng đưa những người khách đến từ nước Đức xa xôi đến với những giai đoạn lịch sử của dân tộc qua giọng thuyết minh nhẹ nhàng, nụ cười mến khách.
Công tác tại Trung tâm với thời gian chưa nhiều nhưng đối với Nguyễn Thị Hưng, để làm tốt công việc của một thuyết minh viên, sự cố gắng, nỗ lực trao dồi kiến thức là một đòi hỏi bắt buộc. Hưng kể: Cùng với việc tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do đơn vị và ngành tổ chức, mỗi cán bộ, nhân viên nơi đây phải thường xuyên nghiên cứu, học tập các kiến thức về lịch sử, trau dồi về ngoại ngữ, nêu cao tinh thần, trách nhiệm… để làm vừa lòng du khách. Trong những hành trình đón tiếp khách quốc tế, không chỉ giới thiệu về di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, mỗi thuyết minh viên còn như một hướng dẫn viên để giúp du khách hiểu hơn về mảnh đất và con người Ninh Bình.
Theo chị Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm: Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của Trung tâm về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…mỗi thuyết minh viên tại Trung tâm được xem như hình ảnh đại diện của Trung tâm trong việc đón, tiếp khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong những tà áo dài duyên dáng, mỗi thuyết minh viên còn không chỉ giới thiệu ngắn gọn về di tích mà còn là dịp để quảng bá với du khách về du lịch Ninh Bình, trả lời những câu hỏi mà du khách yêu cầu…
Chính vì vậy, các đồng nghiệp tại Trung tâm luôn có cách học hỏi lẫn nhau từ sau mỗi hành trình thuyết minh để ngày càng hoàn thiện về ngoại ngữ cũng như cách thuyết minh phù hợp. Môi trường công tác với đặc thù ngày thường cũng như ngày lễ, lượng khách đến thăm quan thường xuyên nên cán bộ, nhân viên Trung tâm dường như không có ngày nghỉ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm: Mỗi ngày, bắt đầu từ trưa thì lượng khách tập trung đông nên các thuyết minh viên không có giờ nghỉ trưa, thứ bảy, chủ nhật cũng vậy, ngày nghỉ lễ càng không. Do đặc thù công việc là vậy nên mỗi cán bộ, nhân viên luôn nêu cao trách nhiệm với mong muốn được góp phần tuyên truyền, quảng bá cho ngành du lịch tỉnh nhà…
Thuyết minh cho du khách nước ngoài tại Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư.
Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, chúng tôi còn có dịp đến với Khu du lịch sinh thái Tràng An. Không khí tấp nập nơi bến thuyền luôn có sức hấp dẫn du khách tìm hiểu, khám phá vùng hang động, sông nước hữu tình. Đón chúng tôi là chị lái đò số 1129 với gương mặt tươi tắn, câu chuyện suốt dọc sông Sào Khê qua các hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu… hết sức rôm rả, thân tình. Chị lái đò tên Nga, nhà ở xã Ninh Nhất đã góp phần làm cho hành trình khám phá Tràng An của chúng tôi thêm thi vị khi chị khá hiểu biết về nơi mình đang làm công tác phục vụ và sẵn sàng trả lời cho những thắc mắc của du khách.
Chị Nga tâm sự: dù làm công việc lái đò nhưng nếu suốt hành trình dài 3-4 giờ đồng hồ mà giữa người lái đò và khách không giao lưu, trò chuyện thì chắc chắn chuyến du lịch đó của du khách sẽ giảm bớt ý nghĩa. Do đó, chị Nga đã chịu khó tham gia các lớp tập huấn về kiến thức làm du lịch, tự học vài câu chào hỏi thông thường bằng tiếng Anh… để khi có khách nước ngoài cũng có thể nói dăm ba câu. Đặc biệt, theo như chị tâm sự, đến với Tràng An rất nhiều du khách chỉ hiểu khái quát về khu du lịch này chứ chưa hiểu cặn kẽ từng địa danh, nhân vật. Do đó, những người lái đò như chị nếu giới thiệu được cho du khách về ý nghĩa các hang, các ngôi đền trong Khu du lịch như: đền Trình, đền Trần, Phủ Khống…sẽ góp phần quảng bá rất hiệu quả về du lịch Ninh Bình cũng như về khu du lịch sinh thái Tràng An.
Trên xe từ Tràng An trở về, hình ảnh chị lái đò tên Nga với những câu chuyện, tâm sự về nghề đã khiến chúng tôi nghĩ về những người lái đò nơi đây. Với 2000 con đò, mỗi người lái đò đều có chung tâm huyết, tình cảm với nơi mình gắn bó, làm việc như chị lái đò tên Nga sẽ góp phần lan tỏa câu chuyện về Quần thể danh thắng Tràng An đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế…
Đa dạng các hoạt động thông tin đối ngoại phục vụ cho phát triển du lịch
Nét nối bật của công tác thông tin đối ngoại phục vụ du lịch chính là công tác thông tin đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác định hướng, tuyên truyền thông tin đối ngoại được tỉnh quan tâm đầu tư, có nhiều đổi mới về nội dung. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo, định hướng cho báo chí địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục tuyền truyền về du lịch như: "Du lịch Ninh Bình", "Đất và người Cố Đô", "Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới" …
Thường xuyên tuyên truyền, đưa các tin, bài, phóng sự về khu du lịch, điểm du lịch trong tỉnh, các lễ hội truyền thống của quê hương. Từ năm 2016- 2018 đã có gần 700 tin, bài, ảnh tuyên truyền, quảng bá về đất và người Ninh Bình trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Đồng thời, các sự kiện kỷ niệm, các lễ hội truyền thống, các hội thảo… được tỉnh quan tâm tổ chức cũng là "kênh" thông tin quan trọng để quảng bá, tiếp thị về du lịch tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá du lịch thông qua các đoàn làm phim, hãng truyền hình quốc tế được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Các hãng truyền hình, cơ quan báo chí quốc tế khi đến Ninh Bình tác nghiệp đều được cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn và quản lý chặt chẽ các hoạt động của các đoàn trong quá trình hoạt động tại địa phương.Từ năm 2016- 2018 UBND tỉnh đã cho phép và tạo điều kiện cho 30 đoàn phóng viên báo chí nước ngoài vào tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí nổi tiếng như: Đài truyền hình KBS (Hàn Quốc), Motion (Nhật Bản), BBC (Anh)… đã về Ninh Bình thực hiện các tác phẩm báo chí, các bộ phim giới thiệu về du lịch Ninh Bình, về phong cảnh và cảnh sinh hoạt của người dân địa phương…
Đặc biệt, hiệu ứng từ bộ phim "bom tấn" Skull Island (Đảo đầu lâu) của điện ảnh Mỹ được bấm máy vào năm 2016 với nhiều cảnh quay tại các danh thắng của Việt Nam như: Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình) đã tạo sức hút lớn đối với du khách tìm đến Tràng An kể từ khi bộ phim ra mắt công chúng năm 2016 đến nay. Những cảnh quay hoành tráng đã đem đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam quảng bá những hình ảnh đẹp đến bạn bè và du khách quốc tế. Từ những hình ảnh nguyên mẫu mà đoàn làm phim cung cấp, Ban quản lý khu du lịch Tràng An đã dựng lại mô hình làng thổ dân gần giống như trong phim để phục vụ du khách đến tham quan… Đây cũng là cơ hội thuận lợi để quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung, về vùng đất, văn hóa, con người, tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu trong phát triển du lịch của Ninh Bình nói riêng.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Ninh Bình, công tác thông tin đối ngoại đã, đang và sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín, vị thế, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng và cả nước theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Bài, ảnh: Phan Hiếu