Theo đó, vào khoảng 22h30 ngày 10/1, tại Km 335 Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Quảng Xương, Tổ tuần tra, kiểm soát giao thông Trạm CSGT Quảng Xương, Phòng PC08 Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành dừng, kiểm tra xe ô tô con BKS 37A-333.90 do Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1983, thường trú tại thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện trên xe ôtô chở 16 cá thể động vật nghi là tê tê thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm; mỗi cá thể được bọc trong hai lớp túi lưới, tổng khối lượng 71,3kg. Toàn bộ số cá thể động vật nói trên không có giấy tờ hợp pháp, được vận chuyển từ Nghệ An đi Hà Nội.
Nhận được tin báo, đội cứu hộ của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã nhanh chóng di chuyển tới địa điểm bắt giữ. Qua thăm khám, kiểm tra ban đầu thì 16 cá thể tê tê này đều là loài tê tê Java. Đa số chúng đều rất yếu, bị thương do bẫy bắt, vận chuyển và nhồi nhét thức ăn.
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 11/1, 16 cá thể tê tê này đã được đưa về Trung tâm cứu hộ chuyên về các loài tê tê và thú ăn thịt nguy cấp (do SVW hợp tác với Vườn quốc gia Cúc Phương quản lý) đặt tài Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tại đây, 16 cá thể tê tê được chăm sóc, kiểm tra và theo dõi chặt chẽ về sức khỏe, thói quen ăn uống, bản năng, trọng lượng và tình trạng cơ thể. Nếu phục hồi tốt, các cá thể này sẽ được thả về tự nhiên.
Ở Việt Nam, vảy tê tê được xem như một vị thuốc y học cổ truyền trong khi thịt của chúng là "đặc sản" tại các nhà hàng lớn. Nạn buôn bán và tiêu thụ tê tê đã và đang đẩy chúng vào nhóm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Việt Nam là "quê hương" của tê tê Java (Manis javanica) và tê tê vàng (Manis pentadactyla). Cả hai loài tê tê đều được pháp luật bảo vệ ở mức độ cao nhất, mọi hành vi săn, bắn, bẫy, tàng trữ, giết mổ, vận chuyển, buôn bán hay quảng cáo tê tê hoặc các sản phẩm làm từ tê tê đều vi phạm pháp luật.
Hà Phương