Đó là ông Nguyễn Văn Xá, người 4 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Những lần được gặp, được nghe Bác dặn dò, chỉ bảo đã trở thành động lực thôi thúc ông luôn tâm niệm lời dạy của Người, làm những việc có ích, thiết thực và ý nghĩa cho thôn, cho xóm.
Giữ trong lòng tình cảm thiêng liêng về Bác
Đến bây giờ, đã hơn 50 năm nhưng ông Nguyễn Văn Xá vẫn nhớ rõ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên được gặp, được nhìn thấy Bác Hồ. Đó là năm 1955 tại Phủ Lý, ở Khu giao thông Liên khu III, nơi ông công tác. Khi đó ông được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí trong đơn vị chuẩn bị địa điểm đón Bác. Lần đó, Bác dừng chân trong khoảng thời gian rất ngắn để tiếp tục lên đường đi kiểm tra tình hình sản xuất tại một số địa phương khác.
Khoảnh khắc ngắn ngủi được nhìn thấy Bác, được nghe giọng nói truyền cảm, ấm áp của Người khi hỏi thăm tình hình công việc của đơn vị đã đọng lại trong tâm trí người cán bộ trẻ những tình cảm thiêng liêng, xúc động về sự quan tâm của vị Cha già dân tộc. Bác đi rồi, ông đứng lặng đó, cảm giác bâng khuâng và xúc động. Những lời dặn dò của Bác dành cho tập thể cán bộ, công nhân viên đơn vị đã theo suốt ông trong những năm tháng công tác và là động lực để ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Văn Xá (người dấu +) tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 (1-5-1962)
Cũng từ chính lần gặp đầu tiên đã "dẫn dắt" ông có vinh dự được gặp Bác thêm 3 lần nữa, trong đó có lần gặp thứ 3 vào năm 1962 khi ông, với những thành tích xuất sắc đạt được trong phong trào thi đua đã vinh dự được dự Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc tại thủ đô Hà Nội.
Những ngày tham dự Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc là những ngày ông được sống trong không khí tưng bừng, náo nức của ngày hội biểu dương những anh hùng chiến sỹ đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu của cả nước. Đại hội vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hội trường lặng im để nghe Bác nói chuyện, Bác căn dặn. Cũng như các đại biểu dự Đại hội, ông Nguyễn Văn Xá ngồi đó, cảm nhận được sự quan tâm của Bác đối với đồng bào, chiến sỹ, cảm phục trước nhân cách, đạo đức trong sáng của Người cũng như tư tưởng nhất quán "nói đi đôi với làm" của Người. Những cảm nhận đó đã theo ông suốt cuộc đời, trở thành "kim chỉ nam" cho những việc làm, sự phấn đấu, nỗ lực của bản thân ông trong suốt quá trình công tác và sau này khi về nghỉ hưu tại địa phương. Lần tham dự Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Tấm bằng khen được ông lồng vào khung kính, treo trước bàn làm việc và trân trọng lưu giữ từ đó đến nay như một "bảo vật" để tự răn mình và dạy bảo con
Cả cuộc đời luôn tâm niệm lời dạy của Bác
Chúng tôi đến thăm ông, lúc đó đã là buổi trưa muộn nhưng vẫn thấy ông đang cặm cụi tại bàn làm việc với rất nhiều sách, báo, tài liệu. Ông tâm sự: Ông đang dự định viết thư cho lãnh đạo Sở Giáo dục- đào tạo để động viên, khích lệ và tham gia mấy ý kiến về vấn đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong các nhà trường. Qua đọc Báo Ninh Bình, ông được biết Sở vừa hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cho tất cả các cấp học, ông thấy rất phấn khởi nhưng có nhiều băn khoăn muốn đóng góp ý kiến. Đây không phải là lần đầu tiên ông viết thư để góp ý về cuộc vận động mà đã mấy lần, ông viết thư gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy để tham gia về việc làm sao để cuộc vận động đến được với mọi tầng lớp nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
Tìm hiểu qua các đảng viên trong chi bộ xóm 4 Đông An, được biết: Ông là đảng viên cao tuổi, lại thường xuyên đau ốm nhưng chưa một lần ông nghỉ các buổi sinh hoạt chi bộ hay các cuộc họp xóm, thôn. Ông tham gia sinh hoạt chi bộ không hình thức, không chỉ là đến để nghe mà ông rất tích cực phát biểu, trao đổi những cách làm, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sao cho hiệu quả, phát huy tác dụng đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Từ năm 1991 là Chủ nhiệm CLB "Vì thế hệ trẻ" xóm Đông An, khi thấy chất lượng học tập của trẻ em trong xóm đi xuống, nhiều em lười học, không có điểm vui chơi… Ông đã tự mình về các cơ quan cũ xin kinh phí về sửa chữa lớp mầm non, mua sắm đồ chơi cho các cháu, củng cố sinh hoạt của chi đội thiếu niên, đẩy mạnh công tác khuyến học… Từ khi thành lập CLB năm 1994 đến năm 2001, toàn xóm đã có 67 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, tăng 48 em so với năm 1994. Từ thành công của mô hình CLB mà năm 2000 ông được dự Đại hội thi đua toàn quốc ngành Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Khi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai, ông là người đi tiên phong trong việc sưu tầm sách báo, tài liệu để làm phong phú thêm nội dung của cuộc vận động. Biết rõ nguồn kinh phí của chi bộ hạn hẹp, khi ông được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, ông đã trích 600 nghìn đồng trong số tiền thưởng 1 triệu đồng để dành phô tô cho 21 đảng viên trong chi bộ tập tài liệu gồm: Điều lệ Đảng, học tập các Nghị quyết TƯ 6 (khóa X), đạo đức cách mạng, các mẩu chuyện về Bác. Ngoài ra, ông còn tự tay viết và phô tô 100 bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi thi đua ái quốc, bài viết của Bác về người cách mạng ...
Ông bày tỏ lý do dẫn đến việc làm của mình rằng: Cuộc vận động là mấu chốt để tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh. Vì qua thực hiện cuộc vận động ở chi bộ, trực tiếp trao đổi với một số đảng viên về các nội dung của cuộc vận động thì nhiều đảng viên trả lời không đầy đủ, chính xác về nội dung. Từ đó ông luôn trăn trở làm sao để có đầy đủ tài liệu cho đảng viên nghiên cứu, học tập thì mới nâng cao nhận thức, trình độ cho đảng viên và nhân dân. Thêm một lý do mà ông muốn đề cập đến chính là do một số đảng viên trong chi bộ vi phạm nên đã 2 năm qua, chi bộ không đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Điều này làm ông cảm thấy xót xa vì chi bộ xóm 4 là tổ chức Đảng do ông cùng các chiến sỹ cách mạng cùng tham gia đấu tranh trong cách mạng tháng Tám 1945 thành lập, nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Dự định về việc sưu tầm và phô tô tài liệu phục vụ cho đảng viên và nhân dân học tập của ông chưa dừng lại ở đó. Nâng niu quyển sách "Sáng ngời đạo đức Hồ Chí Minh", ông cho biết: Tôi dự định sẽ "tách" quyển sách này ra làm 5 phần, phô tô thành nhiều bản để phát cho các đảng viên trong chi bộ, các thành viên trong CLB đoàn kết truyền nhau đọc. Vì quyển sách này dày, nếu để vậy sẽ có người ngại đọc. Nhìn người lão thành cách mạng tuổi đã cao nhưng vẫn say mê với những tập sách, những chồng báo dày để đọc, để tìm những nội dung phù hợp với việc tuyên truyền, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thầm cảm phục, bởi ông đã dành trọn tâm huyết, tấm lòng và tình cảm với Đảng, với Bác.
Bài, ảnh: Bùi Diệu