Hiệu quả từ một mô hình điểm Với mục đích tập hợp hội viên, nông dân trồng rau màu để sản xuất tập trung, hỗ trợ nhau tìm đầu ra và bảo vệ môi trường, năm 2013, Hội Nông dân xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) đã vận động nông dân tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản xóm 13. Tham gia Tổ hợp tác, các hộ được tập huấn về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc BVTV bảo đảm an toàn, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh việc trồng rau…
Thấy được lợi ích khi tham gia Tổ hợp tác, nông dân tham gia ngày càng đông. Đến nay, được sự giúp đỡ của các ngành chức năng, Tổ hợp tác đã phát triển thành HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn xã Khánh Thành, là mô hình điển hình về sản xuất rau an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao. Đại diện Hội đồng quản trị HTX cho chúng tôi biết: Hiện tại, HTX có trên 1.000 hộ đăng ký tham gia sản xuất rau an toàn với quy mô hơn 30 ha. Xác định chỉ có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mới đảm bảo được tính bền vững, HTX cũng đã xây dựng một quy trình sản xuất cụ thể để các xã viên thực hiện. Theo đó, ngay từ khâu chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến hướng dẫn kỹ thuật đều do HTX đảm nhận để đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn VietGap. Mỗi xã viên đều có một cuốn sổ nhật ký đồng ruộng theo dõi lịch bón phân, phun thuốc trừ sâu và quy trình sản xuất theo quy định. Do vậy, sản phẩm sản xuất ra tới đâu đều được bao tiêu tới đó nên nông dân ai cũng phấn khởi.
Ông Nguyễn Xuân Dương (xóm 13, xã Khánh Thành) chia sẻ: Gia đình tôi có 8 sào chuyên canh rau màu như: mướp đắng, dưa chuột, bí xanh, mướp Nhật quanh năm. Những loại cây trồng này được thị trường ưa chuộng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Như cây mướp nhật năm nay hầu như không có sâu bệnh, sau 2 tháng rưỡi đã có thể cho thu hoạch, bình quân một lứa ông thu được khoảng 10 triệu đồng/sào. Còn đối với cây mướp đắng, từ đầu vụ đến nay ông chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học 2 lần, không sử dụng thuốc hóa học. Ông Dương cho biết thêm: bản thân ông đã được tham gia tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, theo ông, sản xuất rau an toàn không khó, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình, hiệu quả kinh tế cao hơn so với khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, lại không gây độc hại cho sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Vận động nông dân sản xuất thực phẩm an toàn
Để các hội viên, nông dân nhận thức được được tầm quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua sinh hoạt chi hội hàng quý, sinh hoạt CLB nông dân với pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thực phẩm…, đặc biệt là vận động các Tổ hợp tác và HTX chuyên ngành sản xuất đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc.
Không dừng lại ở tuyên truyền, Hội đã có những việc làm thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên đối với vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Triển khai và tổ chức ký cam kết với hội nông dân các huyện, thành phố thực hiện kế hoạch "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" giai đoạn 2016-2020; tổ chức cho 50 hộ nông dân, đại diện các Tổ hợp tác, HTX được chọn làm điểm ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn. Thời gian tới, các cấp Hội sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình sản xuất an toàn, triển khai các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi "từ sản xuất đến tiêu dùng", phấn đấu năm 2016, mỗi huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản an toàn, đến năm 2020, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Cùng với đó, Hội tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân áp dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm sạch, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, xúc tiến thương mại quảng bá thực phẩm an toàn…Tuy vậy, cuộc chiến với thực phẩm bẩn là cuộc chiến lâu dài và phức tạp, do vậy, Hội cũng sẽ tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.
Bài, ảnh: Thùy Phương