Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) là một trong 4 doanh nghiệp sản xuất phân lân lớn nhất cả nước, với sản lượng sản xuất phân lân nung chảy đạt 300.000 tấn/năm và phân lân NPK đạt 200.000 tấn/năm. Chất lượng phân lân của Công ty được cơ quan chứng nhận hữu cơ úc chứng nhận là sản phẩm đầu vào thích hợp cho nông nghiệp hữu cơ tại úc từ năm 2017.
Các sản phẩm của Công ty đã và đang được xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, úc, Lào, Campuchia... và đã giành được nhiều giải thưởng lớn như: Bông lúa vàng Việt Nam, Thương hiệu xanh bền vững, Sao vàng đất Việt...
Được biết, trong năm 2018 Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình đã nỗ lực sản xuất, đảm bảo chất lượng, đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhanh nhạy trong việc kết hợp với các đại lý cấp I tổ chức tập huấn giới thiệu sản phẩm đến tận người sử dụng, tổ chức các hội nghị khách hàng các đại lý cấp 2, cấp 3.
Đẩy mạnh xúc tiến công tác thị trường tại các tỉnh mới ở khu vực phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai …); đồng bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và xuất khẩu.
Đồng thời, Công ty đã nhanh chóng hoàn chỉnh công nghệ sản xuất phân lân nung chảy dạng viên từ lân hạt và công nghệ vê viên hơi nước; nâng cao chất lượng sản phẩm NPK vê viên, đưa ra thị trường các loại sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng; đồng thời đã nghiên cứu, xử lý được tình trạng NPK viên bị vón cục.
Thuê thêm các kho chung chuyển (Sóng Thần, Bình Định), khai thác các loại hình vận chuyển dự trữ hàng hóa khi vào vụ. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất, nên giảm được lao động thủ công, vì vậy nâng cao được năng suất và thu nhập cho người lao động...
Do vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty trong năm 2018 đã tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017, tổng doanh thu đạt trên 575 tỷ đồng. Số lao động giảm từ 344 người năm 2017 xuống còn 326 người trong năm 2018.
Tuy nhiên, bước vào năm 2019, Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh do nhiều yếu tố như: Việc giảm sút thị trường tiêu thụ do cây cao su và cà phê là 2 loại cây trồng chính sử dụng phân lân nung chảy hiện đang khó khăn, giá giảm, nên phân lân nung chảy cũng bị giảm sản lượng cung cấp.
Bên cạnh đó, xuất hiện thêm nhà cung cấp mới có giá bán rẻ hơn, nên việc cạnh tranh thị phần ngày càng trở nên khốc liệt. Đặc biệt là chi phí đầu vào tăng cao do giá nguyên liệu, apatit, than đều tăng giá, nhưng giá bán phân bón không tăng. Chất lượng quặng apatit không đảm bảo, nên đến thời điểm hiện tại Công ty vẫn chưa ký được hợp đồng mua lâu dài.
Do vậy, để khắc phục những khó khăn, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Công ty đã chỉ đạo tất cả các bộ phận và cán bộ, công nhân viên, người lao động của Công ty nhanh chóng bắt tay trở lại lao động sản xuất; đồng thời, đề ra nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo khí thế thi đua sôi nổi tại tất cả các phân xưởng; đưa ra những chế độ đãi ngộ cho cán bộ, người lao động có những sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Đồng chí Phạm Mạnh Ninh, Giám đốc công ty cho biết: Để ổn định sản xuất, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững và khẳng định thương hiệu, trong năm 2019 Công ty đã đặt mục tiêu giảm chi phí sản xuất, đề ra các định mức tiêu hao nhiên liệu ở mọi công đoạn sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào. Tăng cường hệ thống bán lẻ và mở rộng thêm nhiều thị trường mới tại các khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là xuất khẩu.
Mặt khác, tích cực giảm tồn kho ở mức hợp lý. Hoàn thiện các giải pháp tổng thể vê viên hơi nước NPK chất lượng cao, chống vón cục NPK vê viên, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững vị thế trên thị trường.
Với những giải pháp cụ thể, tin rằng Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển, khẳng định được vị thế hàng đầu trên thị trường phân bón trong nước và luôn là người bạn đồng hành, sát cánh, tin cậy cùng bà con nông dân.
Bài, ảnh: Kiều Ân