Nhà máy kéo sợi Lam Giang có mặt bằng gần 5 ha nằm trong Cụm công nghiệp Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) với sản phẩm sợi cọc, công suất 12.000 tấn/năm, tổng số vốn đầu tư ban đầu là 530 tỷ đồng, dự kiến sản lượng đạt 5.500 tấn. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy kéo sợi với công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường dệt may trong và ngoài nước.
Kể từ khi thực hiện dự án đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật và của tỉnh Ninh Bình, các cấp, các ngành ở địa phương đã quan tâm, tạo mọi điều kiện nên việc triển khai thuận lợi. Theo ông Trịnh Khắc Dương, Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty Lam Giang cho biết: Chúng tôi chọn đầu tư nhà máy sợi tại Ninh Bình bởi đây là địa phương đang có nhiều thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp dệt may.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng là địa phương có chính sách ưu đãi rất tốt đối với ngành công nghiệp hỗ trợ như chính sách thuế, đất đai, lao động. Trong quá trình thực hiện dự án cũng như đi vào sản xuất, Công ty cũng được các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ rất nhiều về thủ tục hành chính nên nhà máy kéo sợi đã nhanh chóng đi vào ổn định sản xuất. Công ty cũng đã tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, đồng thời chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc thi hành bảo vệ môi trường.
Với đặc thù có nhiều trang thiết bị, nguyên liệu dễ cháy..., do vậy Công ty Lam Giang luôn nêu cao khẩu hiệu "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn". Việc thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường của khu vực, thực hiện phòng, chống cháy nổ luôn được Công ty đặt lên hàng đầu.
Mục tiêu của nhà máy kéo sợi là đạt công suất 6.000 tấn/năm, hiện nay công suất của nhà máy đã đạt 4.500 tấn/năm. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 11 triệu USD. Để đạt được công suất thiết kế, Công ty cũng tiến hành lắp thêm máy phụ trợ, bổ sung thiết bị làm mát. Đến nay, nhà máy đã đạt 95% công suất. Năm 2018, Công ty dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra là kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD.
Ông Trịnh Khắc Dương cho biết thêm: Hiện nay giá bông nguyên liệu trên thị trường thế giới đang tăng cao, chính vì vậy để cạnh tranh với những thị trường nguyên liệu ngành dệt may, Công ty tập trung hiện đại hóa máy móc thiết bị, tiết kiệm năng lượng để tăng sản lượng, giảm giá thành. Thời gian đầu đi vào sản xuất, chi phí cho điện sản xuất vào khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Để tiết kiệm năng lượng, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống biến tần cho trên 90% thiết bị máy móc.
Ngoài việc giảm khoảng 500 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, thiết bị này còn có khả năng điều khiển tốc độ phù hợp cho các máy móc và kết nối với hệ thống máy trung tâm, giúp người vận hành có thể thấy được hoạt động của hệ thống, quản lý được các thông số vận hành như: áp suất, lưu lượng, vòng quay... Điều này rất quan trọng trong khâu điều chỉnh và xử lý nhanh các sự cố có thể xảy ra trên dây chuyền sản xuất.
Cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, Công ty cũng thực hiện mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam hướng tới thay thế dần nguyên liệu nhập ngoại, chủ động nguồn nguyên liệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Công ty đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây lắp dây chuyền 2, với diện tích trên 9 nghìn m2, công suất thiết kế 8.000 tấn/năm, sử dụng 100% công nghệ châu Âu. Công ty định hướng sản phẩm của dây chuyền 2 là sản phẩm chất lượng cao, do vậy sẽ cung cấp cho thị trường dệt may ở các nước Hàn Quốc, Thái Lan... Hiện nay Công ty đang tiến hành tuyển dụng, đào tạo tay nghề cho công nhân. Sau khi Dự án nhà máy kéo sợi hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động trên địa bàn và tăng thu cho ngân sách địa phương.
Nguyễn Thơm