Đồng chí Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: 20 năm qua (1999-2019), với tinh thần, trách nhiệm và tâm huyết của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tích cực kêu gọi sự giúp đỡ, quyên góp, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cho công tác khuyến học, khuyến tài. Thông qua các hình thức vận động như xây dựng quỹ khuyến học, học bổng khuyến học và hỗ trợ giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài đã thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ, phát huy hiệu quả truyền thống hiếu học và khuyến học của nhân dân, từng bước xây dựng một xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Công tác xây dựng tổ chức Hội được quan tâm, kiện toàn, tổ chức Hội liên tục được củng cố và phát triển bền vững. Khi mới thành lập, năm 1999, toàn tỉnh có 1.104 chi hội khu phố, thôn xóm; 706 Ban Khuyến học dòng họ, 83.850 hội viên, chiếm 9% dân số toàn tỉnh. Đến năm 2018, Hội phát triển rộng lớn về quy mô, vững mạnh về tổ chức và chất lượng hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 145 Hội khuyến học xã, phường, thị trấn; có 2.180 chi hội khu dân cư và chi hội trường học; 2.350 Ban khuyến học các cơ quan, đơn vị, dòng họ. Tổng số hội viên toàn tỉnh là 303.679 người, chiếm 31,58% dân số, có 70% hội viên được cấp thẻ. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm sâu sắc, toàn diện, đạt hiệu quả thiết thực.
Việc xây dựng quỹ khuyến học được các cấp Hội quan tâm, thực hiện tốt. Năm 2004, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh vận động xây dựng Quỹ Khuyến học "Vòng tay đồng đội" tới cấp xã. Tỉnh hội cũng thành lập Quỹ học bổng Trương Hán Siêu và có nhiều hình thức vận động xây dựng quỹ khuyến học, như kêu gọi các doanh nghiệp, các hội đồng hương ở mọi miền đất nước, các nhà hảo tâm; đồng thời các chức sắc tôn giáo cũng rất tích cực tài trợ cho quỹ và có nhiều hình thức tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp. Trong đó, có gia đình góp hàng chục triệu đồng xây dựng trường Mầm non của thôn; nhiều đồng chí lãnh đạo công tác ở Trung ương, ở tỉnh, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ Quỹ hàng trăm triệu đồng. Các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến tỉnh đều xây dựng được Quỹ khuyến học để khen thưởng, động viên con em trong cơ quan, đơn vị vượt khó học giỏi, chăm ngoan.
Nhiều phong trào xây dựng quỹ khuyến học trong cộng đồng dân cư phát triển rộng như phong trào "Nuôi lợn nhựa khuyến học", "Ao cá khuyến học", "Ruộng lúa khuyến học", "Hàng cây khuyến học"… Các phong trào thi đua như: "Mùa xuân khuyến học" 6 tháng đầu năm, "Tháng Tám khuyến học" 6 tháng cuối năm đều được các cấp Hội tham mưu, chính quyền chủ trì tổ chức và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực xây dựng quỹ. Nhiều Quỹ khuyến học trong nhân dân ngày càng được xã hội hóa. Điển hình như Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh, ngay ngày đầu ra mắt đã thu trên 17 tỷ đồng, nay số dư đạt trên 30 tỷ đồng. Hàng năm, lãnh đạo Quỹ và các nhà sáng lập đã chi hàng tỷ đồng thưởng cho những học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; học sinh đỗ thủ khoa vào các trường THPT, đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia; các vận động viên xuất sắc trong các cuộc tranh tài quốc gia, khu vực và quốc tế…
Với sự thành lập của Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh đã mở ra phong trào rộng lớn trong hoạt động xây dựng quỹ khuyến học các cấp. Huyện Yên Khánh thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài Vũ Duy Thanh; huyện Kim Sơn nâng cấp Quỹ Khuyến học Nguyễn Công Trứ; Yên Mô có Quỹ Khuyến học Tạ Uyên; Nho Quan có Quỹ Khuyến học Lương Văn Thăng; thành phố Tam Điệp thành lập Quỹ Khuyến học Ngô Thì Nhậm... Một số xã cũng đã lập được nguồn quỹ lớn, như xã Ninh Giang (Hoa Lư), số quỹ 500 triệu đồng; xã Khánh Thiện (Yên Khánh), số quỹ đạt trên 1 tỷ đồng. Cùng với các loại quỹ trên, quỹ khuyến học của cộng đồng và các dòng họ góp phần nâng quỹ khuyến học toàn tỉnh năm 2018 có số dư hơn 70 tỷ đồng, bình quân đạt 73.000 đồng/người.
Trong 20 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, theo đó có hàng triệu lượt học sinh được các cấp Hội Khuyến học khen thưởng, cấp học bổng cho học sinh con em gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng chục tỷ đồng. Hội Khuyến học các cấp còn đóng góp hàng vạn ngày công lao động xây dựng trường chuẩn Quốc gia, xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đến nay, toàn tỉnh có 436/474 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 92% số trường các cấp học trong tỉnh, trong đó có 122/145 xã, phường, thị trấn có cả 3 trường Mầm Non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn Quốc gia. Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực giảng dạy của các thầy, cô giáo, sự cố gắng học tập của các em học sinh, trong đó có sự động viên của phong trào khuyến học, khuyến tài, sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh Ninh Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhiều tiêu chí thi đua hàng năm được xếp ở tốp dẫn đầu cả nước và khu vực. Tính từ khi tái lập tỉnh (1992 - 2019), Ninh Bình đã có trên 1.000 lượt học sinh giỏi đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, gần chục học sinh, sinh viên đoạt giải Quốc tế. Đồng thời các cấp hội khuyến học đã làm tốt công tác tham mưu đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt", thực hiện cuộc vận động "Hai không", góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Với hoạt động giáo dục ngoài nhà trường cho đối tượng người lớn, ngay từ những năm đầu thành lập, toàn tỉnh đã xây dựng được 145 trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đạt tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các TTHTCĐ đều có nội dung hoạt động thiết thực, bổ ích, mỗi năm, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức… đã phối hợp tổ chức hàng nghìn lớp chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng chuyên môn, kể chuyện truyền thống, trau dồi kỹ năng sống, nghe thời sự… cho hàng chục nghìn người tham dự, góp phần quan trọng vào nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Phong trào tự học, tự bồi dưỡng trong cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang được đẩy mạnh, bước đầu đã hình thành hệ thống giáo dục ngoài nhà trường, đặt nền móng cho một xã hội học tập ở địa phương.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ "về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình thí điểm ở 8 huyện, thành phố, 16 xã, phường, 358 gia đình, 19 dòng họ, 17 cộng đồng và 20 đơn vị. Kết quả đánh giá sơ kết, toàn tỉnh đã có 218.398/272.987 gia đình đăng ký xây dựng gia đình học tập, bằng 80% số gia đình toàn tỉnh; số gia đình đạt chuẩn là 158.332, bằng 58% gia đình đăng ký. Số dòng họ đăng ký dòng họ học tập là 1.990/2.519, bằng 79%, đạt chuẩn là 1.385, bằng 56%. Số cộng đồng đăng ký cộng đồng học tập là 1.633/1.719, bằng 95%, đạt chuẩn là 1.290, bằng 75%. Số đơn vị đăng ký đơn vị học tập là 698/722, bằng 97%, đạt chuẩn là 610, bằng 85% đơn vị đăng ký. Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã góp phần vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; là động lực thúc đẩy cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...
Qua 20 năm hoạt động, Hội Khuyến học Ninh Bình đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu cao quý như: 1 Huân chương Lao động hạng Ba cho Chủ tịch Hội Khuyến học khóa I; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 1 cá nhân; 23 Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội cho tập thể; 228 Bằng khen của Trung ương Hội cho tập thể, 256 Bằng khen cho cá nhân. UBND tỉnh đã tặng 21 Cờ thi đua xuất sắc, 160 Bằng khen cho các tập thể và 124 Bằng khen cho các cá nhân. Hội Khuyến học tỉnh còn được ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội KH-KT toàn quốc tặng Bằng khen là đơn vị có phong trào tự học, nghiên cứu khoa học sâu rộng. 20 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có gần 1.000 cá nhân được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học".
Đồng chí Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết thêm: Phát huy những thành tích đã đạt được qua 20 năm thành lập và phát triển, Hội Khuyến học Ninh Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD-ĐT, về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các cấp Hội coi trọng hơn nữa công tác xây dựng tổ chức vững mạnh, nêu cao vai trò chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền; làm nòng cốt liên kết các lực lượng xã hội, đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, xây dựng và nhân rộng thành công các mô hình "Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập" theo tinh thần Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập và phát triển trong tình hình mới.
Mỹ Hạnh