Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Đòng Bái, xã Gia Minh, không phải men theo những con đường vòng vèo, mấp mô sỏi đá như những năm trước, rất nhanh chóng chúng tôi tìm được nhà chị Bình - một ngôi nhà mái ngói còn thơm mùi vôi mới quét. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới, chị Bình không nén được xúc động tâm sự: Chồng tôi mất sớm, tôi ở vậy nuôi con nhưng bao năm qua cái nghèo luôn "bủa vây" cả 4 mẹ con do ốm đau, bệnh tật, thiếu kinh nghiệm, kiến thức để làm ăn. Quanh năm đủ ăn đối với 4 mẹ con chị Bình đã là ước mong lớn nhất, còn xây nhà mới thì chưa bao giờ mẹ con chị nghĩ tới. Ngày nhà chị khởi công, anh em, họ hàng và đoàn viên, thanh niên đến giúp rất đông. Đến khi ngôi nhà được hoàn thành, ngày mừng nhà mới, gia đình chị lại nhận thêm niềm vui nữa khi được Huyện đoàn Gia Viễn tặng bộ bàn ghế Xuân Hòa. Cùng với việc giúp đỡ xây dựng nhà, gia đình chị Bình còn được Hội phụ nữ tỉnh giúp 1 con lợn giống để phát triển kinh tế. Chị Bình nghẹn ngào nói: Gia đình tôi được giúp quá nhiều. Đây là niềm hạnh phúc, đồng thời cũng là động lực để tôi cùng các con nỗ lực, vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống... Đối với xã Gia Minh - một trong ba xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện và là 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, gia đình chị Bình là 1 trong 13 hộ được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà dột nát theo Đề án 02 của HĐND tỉnh, là 1 trong 110 hộ được giúp đỡ thoát nghèo trong năm 2008.
Theo đồng chí Vũ Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Minh: Với đặc thù là một địa phương nằm trong vùng xả lũ của huyện nên 2 năm qua sản xuất nông ngiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả lũ lụt. Xuất phát từ khó khăn trên mà hàng năm trong công tác giảm nghèo của xã luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, đơn vị từ tỉnh đến huyện. Năm 2008, xã được giúp đỡ để khôi phục các công trình sau lũ như: Đường giao thông thôn, xóm, chợ, nạo vét kênh mương, hỗ trợ vật nuôi, dạy nghề... Đến nay, với sự phối hợp giúp đỡ của Hội phụ nữ tỉnh, đã có 2 nghề phát triển và duy trì ở Gia Minh là chẻ tăm hương và trồng nấm, thu hút số lượng lớn hội viên phụ nữ và hội viên các đoàn thể khác tham gia. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, Gia Minh đã làm tốt việc tạo vốn, chuyển giao KHKT... để giúp người dân, nhất là hộ nghèo thoát nghèo. Đã có hơn 500 hộ được vay vốn từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư của 4 chương trình: Lao động việc làm, vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên, hộ nghèo là trên 3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn và kiến thức được chuyển giao, toàn xã đã có 178 mô hình kinh tế lúa + cá, trang trại được hình thành. Trong đó, có 21 mô hình của hộ nghèo là những hộ đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm được tập huấn, học tập để vươn lên phát triển kinh tế. Sau 1 năm nỗ lực vươn lên và nhận được sự giúp đỡ tích cực của các cấp, các ngành, của tỉnh, của huyện, toàn xã có 110 hộ nghèo thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 27,02% năm 2007 xuống còn 13,76% năm 2008... Về Gia Minh vào dịp cuối năm, không như tưởng tượng của chúng tôi về một xã nghèo sau lũ lụt. Các mô hình kinh tế đang tấp nập người - xe vào, ra để thu mua cá, gà, lợn, nấm... là những thực phẩm tiêu dùng nhiều vào dịp Tết Nguyên đán. Trao đổi với đồng chí Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn được biết: Cùng với sự chuyển biến tích cực về kết quả phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là hoạt động giảm nghèo được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm làm tốt và đạt kết quả khả quan. Kết quả thực hiện giảm nghèo theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 15-10-2007 của Tỉnh ủy năm qua đã tổ chức được 53 lớp dạy nghề, chuyển giao KHKT, tập huấn cho 2.428 người tham gia với các nghề phù hợp với điều kiện từng địa phương như: Thêu ren, chẻ tăm hương, móc sợi xuất khẩu, trồng nấm... Qua đó tạo việc làm cho 4.525 lao động. Duy trì và phát triển được 10 mô hình kinh tế đem lại hiệu quả và thu nhập cao như: Nuôi gà thả vườn, nuôi thỏ, lợn thịt, lúa + cá, trồng gấc, lúa tái sinh... với trên 15.000 hộ gia đình tham gia. Các công trình kiên cố hóa kênh mương, tái thiết, nâng cấp đường giao thông, trường học... sau thiên tai được quan tâm làm tốt. Đối với 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là Gia Minh, Gia Phong, Gia Lạc, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã thực hiện được nhiều hạng mục công trình như: Sửa chữa các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, trường học, trạm y tế, sửa chữa, nâng cấp chợ, xây dựng kênh cứng... với kinh phí trên 2,9 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện Đề án 02 của HĐND tỉnh về việc "Hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2009", toàn huyện đã khởi công xây dựng được 117/139 nhà, đạt 84,2% kế hoạch giai đoạn 2008-2009. Việc hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện nhận được sự quan tâm, giúp đỡ về kinh phí, ngày công của các đoàn thể, đơn vị, anh em dòng họ, bà con thôn, xóm bên cạnh nguồn hỗ trợ kinh phí của tỉnh, của huyện nên các ngôi nhà được hoàn thành đúng tiến độ, giúp đỡ hộ nghèo có mái ấm khang trang, kiên cố để đón Tết. Hết năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 14,02% năm 2007 xuống còn 10,2% năm 2008, bình quân toàn huyện giảm 3,82%. Đặc biệt, đối với 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là Gia Minh, Gia Lạc, Gia Phong đều giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo từ 10-13%năm/xã.
Phan Hiếu