Cung cấp "cần câu" và "con cá"
Bao đời nay người dân Quảng Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông, trình độ sản xuất, phong tục tập quán còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Bất cứ ai quyết mưu sinh tại đây cũng có nghĩa là phải đối mặt với diều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Cây sắn, ngô, cây lúa, con trâu, con bò... là các loại cây trồng, con nuôi truyền thống của bà con, nhưng hiệu quả kinh tế của các loại cây, con chủ lực này còn thấp. Quảng Lạc là 1 trong 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của Nho Quan. Làm thế nào để người dân bớt khó khăn, nghèo đói là điều mà các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Đặng Hoàng Đồng cho biết: Quảng Lạc là 1 trong 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhiều mặt. Với thuận lợi căn bản đó, Đảng bộ xã xác định phải chủ động khơi dậy tiềm năng đất đai và nội lực sẵn có để tập trung xóa đói, giảm nghèo. Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xã đã tích cực nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT vào thực tiễn; gắn kết các mô hình sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó đã tạo được bước chuyển tích cực.
Khác hẳn với lối canh tác cũ, bây giờ toàn bộ diện tích đồi bỏ hoang đã được người dân phục hóa để trồng cấy hoa màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cây mía, cây dứa, cây lạc... Chính vì thế mà không ít hộ thoát nghèo nhờ mô hình trang trại đồi rừng. Sự tác động của KHKT đã làm cho năng suất, sản lượng cây trồng luôn ổn định. Năng suất dứa trung bình của xã đã đạt 25 tấn/ha, đem lại giá trị canh tác đạt 24 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp 2 lần so với năm trước. Năng suất mía trung bình đạt 10 tấn/1ha, giá trị thu nhập bình quân 1 ha mía đạt 10 triệu đồng/vụ (tăng gấp 2 - 3 lần).
Chăn nuôi cũng từng bước được đầu tư phát triển, nhiều chương trình khoa học như: "Sind hóa đàn bò", "nạc hóa đàn lợn"... đã được các hộ nông dân tích cực triển khai áp dụng, đem lại hiệu quả cao. Khi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước được triển khai thì đời sống của bà con cũng như bộ mặt nông thôn nơi đây được đổi thay từng ngày. Đồng chí Đặng Hoàng Đồng khẳng định: Chúng tôi đã cung cấp "cần câu" và "con cá" cho người dân, giờ chỉ còn tiếp tục hướng dẫn bà con cách "câu" sao cho hiệu quả, có như thế cái đói, cái nghèo mới không còn quay lại.
Cũng giống như Quảng Lạc, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh thời gian qua đã có nhiều cách làm hay, vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh để cung cấp "cần câu" và "con cá" cho hộ nghèo một cách phù hợp. Các tổ chức đoàn thể: Hội nông dân, phụ nữ, CCB, thanh niên... đã trực tiếp đứng ra hướng dẫn và giúp đỡ các hộ nghèo biết cách làm ăn. Hội Phụ nữ tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Hội CCB tỉnh, Tỉnh Đoàn... đã tổ chức hàng chục lớp chuyển giao kỹ thuật về trồng gấc cao sản, trồng lúa chét, trồng đào phai, nuôi, ương cá mè giống, kỹ thuật chẻ tăm hương... cho hàng nghìn lượt hội viên ở các xã nghèo trọng điểm, qua đó dần xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu, áp dụng được các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 17 lớp dạy nghề cho 1.352 người, đưa tổng số lao động qua đào tạo có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định của 23 xã nghèo lên gần 2.000 người. Toàn tỉnh đã đầu tư 21,3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo, cụm xã nghèo như: chợ đầu mối xã Kim Đông (Kim Sơn); công trình nước sạch cho các xã Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long, Văn Phương (Nho Quan); xây dựng các trường Mầm non, Trạm y tế... Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt đời sống dân sinh.
Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn
Có thể nói, những kết quả trong công tác giảm nghèo mà các địa phương trong tỉnh, nhất là đối với 23 xã có tỷ lệ nghèo cao đã đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Song, nhìn chung hộ nghèo của các địa phương đã giảm nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn cao. Công tác giảm nghèo tại 23 xã cũng bộc lộ những tồn tại nhất định cần sớm được khắc phục, đó là: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả do chưa phù hợp với điều kiện sinh thái (tiêu biểu như việc trồng gấc ở xã Thạch Bình - Nho Quan); việc nuôi trồng thủy sản ở các xã bãi ngang Kim Sơn liên tục mất mùa, chưa tìm được nguyên nhân để khắc phục; công tác hỗ trợ trồng nấm còn nhiều bất cập.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã nghèo trọng điểm còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ, thiếu đồng bộ do phần kinh phí hỗ trợ của địa phương gặp khó khăn. Vì vậy mà đến nay, nhiều công trình còn dang dở như: công trình nước sạch, các hạng mục thuộc Dự án phân lũ ở Gia Viễn; chương trình hỗ trợ giếng khoan phục vụ sản xuất ở Đông Sơn (Tam Điệp)... Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội với chương trình giảm nghèo chưa mang lại hiệu quả cao. Năng lực của một số ít cán bộ cơ sở còn hạn chế. Một bộ phận người nghèo nhận thức chưa đúng, chưa đủ về trách nhiệm của mình, thiếu quyết tâm vươn lên tự thoát nghèo, còn có tư tưởng ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh Ninh Bình đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội với công tác giảm nghèo. Các địa phương cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển CN- TTCN và dịch vụ.
Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất công nghiệp bằng việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, khuyến khích và có chính sách thu hút đặc biệt đối với các doanh nghiệp về đầu tư tại các xã khó khăn theo phương châm các doanh nghiệp trực tiếp đứng ra cầm tay, chỉ việc, tổ chức cách sản xuất cho bà con. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác giảm nghèo. Đi đôi với việc khuyến khích ý chí, quyết tâm vượt nghèo của người dân, thời gian tới, Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát năng lực hoạt động của cán bộ làm chương trình xóa đói, giảm nghèo ở cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm những địa phương còn xem nhẹ công tác này.
Đức Nghĩa