Quy mô trường, lớp các cấp học được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao. Tỉnh Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS và chuẩn xóa mù chữ ở mức độ cao nhất. Những năm gần đây, dân số trong độ tuổi đi học tiếp tục tăng, đặc biệt là trẻ mầm non và học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, ngành đã duy trì tương đối ổn định quy mô trường, lớp các cấp học, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt từ 56% đến 57% dân số độ tuổi, ở độ tuổi mẫu giáo đạt 97% đến 98% dân số độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99,8%; huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6; có hơn 85% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT, GDTX.
Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ học sinh có học lực yếu giảm, học lực khá, giỏi tăng đáng kể ở tất cả các cấp học. Kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng Ninh Bình luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có kết quả cao trên toàn quốc. Cơ sở vật chất được tăng cường, nhiều trường học khang trang, sạch đẹp, từng bước đáp ứng được yêu chuẩn hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 86,5%.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được cả hệ thống chính trị và toàn dân quan tâm, là một trong các tỉnh, thành phố tiêu biểu của cả nước có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cao. Đến nay, toàn tỉnh có 92% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Trong đó 91,6% trường mầm non đạt chuẩn mức độ 1, 18,2% đạt chuẩn mức độ 2; 100% trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 1, 71,7% đạt chuẩn mức độ 2; 91,5% trường THCS và 50% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng và cơ cấu; chất lượng và trình độ đào tạo không ngừng nâng cao; tỷ lệ nhà giáo có trình độ đạt chuẩn trở lên là 99,9%, trên chuẩn chiếm 82,06%. Phong trào thi đua yêu nước, nhân điển hình tiên tiến trong Ngành tiếp tục được đẩy mạnh.
Công tác quản lý giáo dục được đổi mới, tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục. Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học đều được Ngành tham mưu kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Với những kết quả trên, năm 2018, ngành GD&ĐT Ninh Bình được khối thi đua suy tôn và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn. Kết quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2018-2019 đạt được những kết quả khả quan. Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, đây là kỳ thi lớn do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và các trường đại học có hệ THPT chuyên.
Tỉnh Ninh Bình có 35/72 học sinh dự thi đạt giải, tỷ lệ đạt giải chiếm 48,6%; gồm 4 giải nhì, 13 giải ba, 18 giải khuyến khích; trong đó có 1 giải nhì môn Toán của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ; môn Địa lý có 6/6 học sinh đạt giải. Có 2 học sinh đạt giải nhì môn Toán và Vật lý được tham gia dự thi chọn đội tuyển quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức để dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2019.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được Bộ GD&ĐT phát động tổ chức từ năm 2013, đến nay đã trở thành kỳ thi thường niên. Tham gia cuộc thi cấp quốc gia khu vực phía Bắc, học sinh Ninh Bình có 3/6 dự án đạt giải, gồm 1 giải nhì và 2 giải tư.
Cùng với đó, các cuộc thi chọn học sinh giỏi theo định kỳ hàng năm như cuộc thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh; thi chọn học sinh giỏi, học viên giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh… thu hút hàng nghìn học sinh tham gia, đạt nhiều giải thưởng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giảng dạy và học tập trong các nhà trường.
Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường khuyến khích, động viên những học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu tham gia cuộc thi như: Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 14; cuộc thi Toán Hà Nội mở rộng do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức; thi Olympic Toán sinh viên và học sinh Việt Nam do Hội Toán học Việt Nam tổ chức... và nhiều cuộc thi khác trên tinh thần tự nguyện như thi Trạng nguyên tiếng Việt, Trạng nguyên tiếng Anh, sân chơi "ý tưởng trẻ thơ", Olympic tiếng Anh trên Internet, thi Toán qua Internet, giao lưu câu lạc bộ Toán Tuổi thơ… thu hút nhiều học sinh từ cấp tiểu học đến bậc THPT, đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tạo thành phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường, giành được nhiều giải cao.
Trong năm học 2018-2019, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tiêu biểu là các phòng GD&ĐT: thành phố Ninh Bình, Yên Mô, Yên Khánh; các trường THPT: Yên Khánh A, Bình Minh, chuyên Lương Văn Tụy, Nguyễn Huệ; các Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Tam Điệp, Yên Mô.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong các năm học tiếp theo, ngành GD&ĐT đề ra một số nhiệm vụ và tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đề ra các chủ trương và giải pháp đúng đắn cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung, công tác bồi dưỡng nhân tài nói riêng.
Tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có được sự quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; chú trọng xây dựng chế độ, chính sách với giáo viên, học sinh, trong đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ, khuyến khích giáo viên giỏi, học sinh giỏi.
Xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng tiên tiến, phù hợp ở các cấp học. Lựa chọn, phân công những giáo viên có năng lực, phẩm chất, trách nhiệm cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý chỉ đạo và dạy học, động viên khuyến khích cán bộ giáo viên, học sinh trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đặc biệt, với Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy tìm giải pháp thu hút học sinh có năng khiếu vào học tại trường THPT chuyên của tỉnh, đề ra giải pháp tối ưu củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng tập huấn đội tuyển học sinh giỏi tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; tiếp tục thực hiện tốt chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với học sinh giỏi và giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới; làm tốt công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đủ số lượng, chủng loại theo quy định; khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho nền giáo dục tỉnh nhà nói chung và việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác thi chọn học sinh giỏi, công tác tuyển sinh vào trường THPT chuyên bảo đảm nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế; tiếp tục thực hiện tốt chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với học sinh giỏi và giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đồng thời phối hợp với Hội Khuyến học các cấp đẩy mạnh phong trào xây dựng địa phương, dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực từ các quỹ khuyến học, khuyến tài, các tổ chức, nhà hảo tâm đầu tư cho giáo dục; tạo sự hưởng ứng đồng thuận của gia đình và xã hội cùng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Mỹ Hạnh