Anh Lê Xuân Sinh, quê ở Nam Định nhận xét: Đầu năm, gia đình anh đã đi tham quan du lịch khá nhiều nơi, từ chợ Viềng đến hội Phủ Giầy, lên Yên Tử rồi về chùa Hương, khó có nơi nào không khí trong lành như ở Tam Cốc. Tuy hiện tượng vứt rác của du khách vẫn còn, nhưng không tồn đọng, bừa bãi như ở một số nơi khác. Đi từ Bến thuyền vào tới Tam Cốc, hầu như không thấy rác thải trôi nổi trên mặt nước. Mọi người thoải mái đưa tay xuống dòng nước trong xanh, té nước lên mạn thuyền, chứ ở chùa Hương thì không ai dám làm như vậy...
Chị Nguyễn Thị Hải ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa thừa nhận: ý thức tự giác của người dân nơi đây khá tốt. Chúng tôi cũng làm du lịch, nhưng nhận thấy việc bố trí các thùng rác lưu động ở đây rất thuận tiện và khoa học. Tôi để ý thấy nhiều người dân, kể cả các cháu nhỏ, khi thấy rác là tự giác thu gom bỏ vào thùng, nếu ai cũng làm được như vậy thì thật đáng quý... Nhưng việc bố trí khu nhà chờ trên bến thuyền và khu vệ sinh còn thiếu hợp lý. Nhiều người khi đến đây muốn nghỉ ngơi để chờ hướng dẫn viên xếp thuyền đành phải ngồi cạnh các gốc cây. Trời nắng thì không sao, trời mưa thì khổ lắm...
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động mỗi ngày đón gần 1.000 du khách. Những ngày cao điểm lên tới 5.000 người, cộng thêm trên 6.000 người dân sinh sống trên địa bàn với hàng chục nhà hàng, khách sạn thì lượng rác thải mỗi ngày không phải là ít. Để giữ được vệ sinh môi trường như ở nơi đây cũng đã là một kỳ tích.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nho, Phó Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cho biết: Hàng năm, Ban đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hướng dẫn viên, đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân nơi đây về ý thức bảo vệ môi trường, nhất là đối với những người trực tiếp tham gia hoạt động dịch vụ du lịch như chèo thuyền, chụp ảnh, bán hàng...
Ban quản lý cũng phối hợp với các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn học sinh tham gia tích cực vào công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thu gom rác thải đưa lên xe lam, xe cải tiến chở đến nơi chung chuyển theo quy định của tỉnh; bố trí 4 thuyền thường xuyên đi dọc con sông Ngô Đồng để vớt rác thải. Do vậy, hiện tượng rác thải tồn đọng từ ngày này qua ngày khác và trôi nổi trên các dòng sông đã được khắc phục. Đối với các hộ dân sinh sống trên địa bàn, nhất là những hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chính quyền địa phương đã vận động thực hiện vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường, không chặt cây phá rừng, không đục nhũ đá và lấy đá làm non bộ, không đánh bắt chim thú…
Do làm tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường nên hàng năm, du khách về thăm Tam Cốc - Bích Động tiếp tục tăng lên. Có nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài đã trở lại nhiều lần. Ngoài việc chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên hiện hữu, còn thưởng thức những món ăn dân dã và đón nhận những tình cảm nồng hậu, mến khách của người dân nơi đây...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có nhiều vấn đề Ban quản lý Khu du lịch Tam cốc - Bích Động cũng cần phải cân nhắc. Đó là việc xây dựng một số điểm để du khách có thể ngồi chờ để sắp xếp lên thuyền; phát triển các diện tích tự nhiên như vườn cây, thảm cỏ...; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho du khách thông qua việc tuyên truyền của người dân địa phương; kiểm soát chất lượng không khí, đất, nước, ô nhiễm tiếng ồn thông qua các chương trình quy hoạch tổng quan, thiết kế xây dựng và duy tu, bảo dưỡng các công trình kiến trúc. Có như vậy Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động mới phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Xuân Tứ