Đến thăm Công ty TNHH Đổi Mới, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, ông Đoàn Văn Lan, Giám đốc Công ty vui mừng báo tin vui với chúng tôi: Năm nay, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rất được ưa chuộng, đặc biệt là các sản phẩm làm từ nguyên liệu cói.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế, Công ty đã nghiên cứu, sáng tạo một số mẫu mã mới như chao đèn, giỏ giặt, lẵng đựng hoa... Trong 6 tháng đầu năm 2018, ước tính doanh thu của công ty đã đạt 28 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch của cả năm. Bên cạnh các thị trường quen thuộc như các nước châu Âu, Nhật Bản... chúng tôi đang tiếp cận thêm với thị trường Mỹ. Do mới tiếp cận, doanh thu tại thị trường Mỹ của Công ty mới đạt trên 100 nghìn USD.
Để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế, Công ty TNHH Đổi Mới đã xây dựng hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, từ nguyên liệu, quy trình sản xuất cho đến hệ thống nhà xưởng. Hiện nay, toàn bộ nhà xưởng tại Công ty đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, liên kết quốc tế với khách hàng. Bởi vậy, các khách hàng có thể theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình sản xuất, góp phần vào quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, uy tín về chất lượng sản phẩm của Công ty ngày một được nâng lên, góp phần nâng cao doanh thu cho Công ty, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện công ty có trên 100 lao động thường xuyên, 30 lao động được đóng bảo hiểm xã hội, lương bình quân đạt từ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty đề ra mục tiêu đến cuối năm 2018, doanh thu đạt trên 2 triệu USD.
Bên cạnh ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các ngành CN-TTCN khác như dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng... cũng có sự tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo của UBND huyện Kim Sơn, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt trên 870 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt gần 200 tỷ đồng.
Để có được kết quả khả quan trên, ngay từ những tháng đầu năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương và các địa phương căn cứ vào các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm ở từng địa phương.
Tiến hành rà soát thực trạng, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút các nhà đầu tư liên doanh, liên kết hoặc đầu tư trực tiếp vào cụm công nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Tiếp tục hoàn thành hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất tại cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất CN-TTCN, huyện Kim Sơn chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích và tạo thuận lợi đẩy mạnh phát triển các ngành nghề huyện đã có nền tảng và lợi thế theo hướng chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, tổ chức và quản lý sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Chú trọng tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất CN-TTCN: khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất CN-TTCN hiện có; xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống và thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; hỗ trợ các doanh nghiệp thuê đất tại cụm công nghiệp Đồng Hướng giai đoạn 2.
Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; quy hoạch và phát triển hệ thống khu thương mại huyện, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ vận tải đường bộ, đường sông đảm bảo tiện lợi, thông suốt. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, duy trì phát triển các làng nghề truyền thống.
Bài, ảnh: Thái Học