Tham dự có đại diện, lãnh đạo Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Công thương và một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gạo nếp hạt cau trên địa bàn tỉnh.
Nếp hạt cau là một giống lúa bản địa, lâu đời, quý hiếm của Ninh Bình. Lúa cho hạt gạo tròn, trắng, cơm dẻo, thơm ngon và có hương thơm đặc trưng. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao tăng lên, giống lúa nếp hạt cau đã được nhiều địa phương như Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc biệt, năm 2017, Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh đã triển khai đề tài phục tráng, hoàn thiện quy trình sản xuất giống lúa này, qua đó tạo được nguồn giống siêu nguyên chủng, đạt tiêu chuẩn và giúp cho các hộ nâng cao kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng gạo.
Mặc dù nếp hạt cau sản xuất tại Ninh Bình có chất lượng rất tốt nhưng chưa được đăng ký thương hiệu, dẫn đến tình trạng hàng giả trà trộn, phần nào làm ảnh hưởng đến danh tiếng sản phẩm.
Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Nếp hạt cau Ninh Bình" là một bước tiến nhằm quản lý và kiểm soát vấn đề này, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nếp hạt cau Ninh Bình" do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho Chi cục Trồng trọt & BVTV Ninh Bình.
Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cũng đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nếp hạt cau Ninh Bình" cho 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm các Hợp tác xã nông nghiệp Kỳ Phú (huyện Nho Quan), Ân Hòa, Đồng Hướng, Như Hòa (huyện Kim Sơn).
Ngoài ra, các nội dung có liên quan như: bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận "Nếp hạt cau Ninh Bình"; lô gô, tên sản phẩm; quy chế quản lý và sử dụng, điều kiện để được cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, HTX, hộ và cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận… cũng đã được công bố.
Để vận hành, quản lý tốt nhãn hiệu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm, các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng nhãn hiệu phải thực hiện đúng, đầy đủ các văn bản đã ban hành để sản phẩm lưu thông trên thị trường đảm bảo chất lượng, có tem, nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng.
Hà Phương- Anh Tuấn