Tại cuộc gặp mặt, thông tin tình hình thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương cho biết, đến thời điểm này đã có 87% số doanh nghiệp báo cáo dự kiến có tiền thưởng Tết Nguyên đán 2016 với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53 triệu đồng/người), tăng 15,7% so với thưởng Tết Nguyên đán 2015. "Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng/người (doanh nghiệp FDI ở Hải Dương), người có mức thưởng thấp nhất là 40 nghìn đồng (doanh nghiệp FDI ở Bình Phước)" - bà thông tin. Bà cũng cho biết, tại Hà Nội, người có mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI) và người có mức thưởng thấp nhất là 450 nghìn đồng/người (doanh nghiệp FDI).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người có mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp dân doanh) và người có mức thưởng thấp nhất là 3,09 triệu đồng/người (ở doanh nghiệp FDI).
Cũng theo bà Tống Thị Minh, trong tổng số trên 13.000 doanh nghiệp báo cáo đến ngày 31/12/2015 vẫn còn 14 doanh nghiệp (ở 8 tỉnh, thành phố) nợ khoảng 16,5 tỷ đồng tiền lương của 2.300 lao động và hơn 1.700 doanh nghiệp (khoảng 13% số doanh nghiệp báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không có tiền thưởng Tết cho người lao động.
"Các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, nắm tình hình kết hợp với tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tiết kiệm chi phí khác để có khoản chi phí trả nợ lương và chia sẻ với người lao động chi tiêu trong dịp Tết" - bà cho hay.
Doanh nghiệp nhà nước có lương cao nhất
Về tình hình lương năm 2015, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương cho biết, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm và chăm lo tốt hơn đến người lao động. Theo số liệu tổng hợp báo cáo, thống kê và điều tra do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2015 cho thấy, tiền lương năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014; bình quân ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8%; doanh nghiệp tư nhân ước đạt 4,99 triệu đồng/tháng, tăng 6%; doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 9%.
Về ngành nghề, tùy theo từng ngành nghề có mức tăng lương khác nhau: Thương mại, dịch vụ ước đạt 6,32 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8%; Nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 4,45 triệu đồng/người/tháng, tăng 3%; Công nghiệp, xây dựng ước đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng, tăng 11%, trong đó đáng chú ý các ngành có dệt may, da giày- túi sách do số lượng đơn hàng ổn định và tăng, tiền lương của người lao động có mức tăng khá.
Một số ngành nghề như cao su, dầu khí... năm 2015 mặc dù năng suất lao động theo sản lượng vẫn tăng, song do ảnh hưởng bởi tình hình giá cả thị trường thế giới làm cho doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm mạnh, cho nên tiền lương của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Hầu hết doanh nghiệp trên thế giới ở các ngành này đều vừa phải cắt giảm lao động, cắt giảm tiền lương. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp thực hiện thận trọng hơn thông qua giữ ổn định lao động, chủ động tiết giảm các chi phí khác và cắt giảm một phần tiền lương của người lao động (mức giảm dưới 10%).
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam có năng suất lao động theo sản lượng khai thác tăng 7%, nhưng do giá giảm mạnh nên tiền lương giảm bình quân 3 - 5% so với năm trước.