Nhiều năm học qua, năm nào trường Tiểu học Ninh An (Hoa Lư) cũng có HSKT đến trường học hòa nhập. Theo đại diện nhà trường, các em được đến trường học hòa nhập phần lớn là những trẻ tương đối khỏe mạnh, cơ bản tự chăm sóc được bản thân, nhưng việc theo được các bạn trong lớp học tập, vui chơi là điều khó. Có những học sinh gặp khuyết tật về trí tuệ, ngôn ngữ, khả năng tiếp thu bài học rất kém… Khó khăn đặt ra cho các giáo viên giảng dạy là chưa được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về giáo dục hòa nhập, nên gần như vừa dạy vừa tự mày mò tìm hiểu để giúp đỡ HSKT hòa nhập.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 473 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT; trong đó có 316 cơ sở giáo dục, chiếm tỷ lệ 66,8%, với 794 số lớp có HSKT học hòa nhập. Cụ thể: Cấp mầm non có 64 trường, với 169 học sinh khuyết tật; cấp tiểu học có 134 trường, với 806 học sinh; cấp THCS có 100 trường, với 392 học sinh khuyết tật và cấp THPT có 18 trường, với 46 học sinh. Toàn tỉnh có 3.454 giáo viên tham gia dạy hòa nhập cho HSKT, trong đó chỉ có 6 giáo viên dạy chuyên biệt. Số trường có phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập là 25 trường, trong đó chỉ có 1 lớp giáo dục chuyên biệt. Riêng năm học 2018-2019, toàn tỉnh huy động được 1.227 HSKT đi học, chiếm tỷ lệ 89,7%.
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Những năm qua, việc tổ chức dạy học đối với HSKT được Sở quan tâm chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ. HSKT được miễn giảm một số môn học hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học, hoạt động giáo dục do tình trạng khuyết tật gây nên; được bố trí chỗ ngồi thuận lợi nhất trong lớp học, giúp các em tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cùng các bạn. Cùng với đó; các hoạt động hỗ trợ giáo dục HSKT được triển khai như: Cán bộ, giáo viên tư vấn, hỗ trợ cho cha mẹ học sinh và HSKT khi cần thiết về các vấn đề liên quan đến hoạt động hằng ngày và quá trình học tập của các em; có hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu phục vụ giáo dục HSKT...
Kết quả, chất lượng giáo dục HSKT ngày càng được nâng lên, tỷ lệ HSKT tiểu học hoàn thành tốt và hoàn thành các môn học ở tất cả các khối lớp trung bình trên 30%, các em được quan tâm giáo dục kĩ năng sống và năng lực, phẩm chất, đặc biệt là giáo dục kĩ năng tự phục vụ. Nhiều HSKT cấp THCS, THPT đạt học lực giỏi, khá, nhiều em thi đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia và đủ điểm vào các trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp.
Cũng theo Nhà giáo Phạm Thanh Toàn, việc giáo dục hòa nhập cho HSKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo các cấp, ngành, cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ HS, cộng đồng về trẻ khuyết tật (TKT) và giáo dục HSKT còn mức độ, chưa coi trọng công tác giáo dục HSKT. Chất lượng giáo dục HSKT ở một số trường còn hạn chế, vẫn còn giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục HSKT, đặc biệt là các kiến thức chuyên sâu về HSKT. Chưa thực hiện được chế độ phụ cấp ưu đãi giảng dạy đối với giáo viên dạy hòa nhập HSKT theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP. Cùng với đó, kinh phí dành cho công tác giáo dục hòa nhập HSKT chưa được quan tâm đúng mức; hầu hết các nhà trường chưa có các phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập dành riêng cho HSKT; thiếu các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho giáo dục HSKT dạng đặc thù. Số HSKT học lên các cấp học THCS, THPT chưa cao; nhiều HSKT độ tuổi THPT chưa được tiếp tục học nghề và tìm kiếm các cơ hội việc làm. Mặt khác, công tác thu thập thông tin, thống kê, dự báo về trẻ khuyết tật của các ngành chức năng, các địa phương còn chưa đầy đủ; việc xác định các dạng khuyết tật còn nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện giáo dục HSKT…
Để tháo gỡ được những khó khăn, bất cập nêu trên, ngành Giáo dục rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành, các địa phương và toàn xã hội, với những giải pháp cụ thể, thiết thực như: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hòa nhập HSKT; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục HSKT, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng dạy hòa nhập HSKT từng dạng tật; xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục HSKT giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, triển khai hoạt động tại phòng/góc hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên; tăng cường kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục về kiến thức, kỹ năng dạy học hòa nhập HSKT; kịp thời chi trả phụ cấp giảng dạy đối với giáo viên dạy hòa nhập HSKT; đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh thành lập Trung tâm hỗ trợ, phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh…, từ đó công tác giáo dục hòa nhập HSKT trên địa bàn tỉnh mới đem lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực.
Hạnh Chi