Theo kế hoạch, đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ phấn đấu kiên cố được 838/2.561 km tổng chiều dài kênh mương trên địa bàn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, đến nay tỉnh ta đã kiên cố được gần 700 km, tổng kinh phí gần 340 tỷ đồng. Với cơ chế đầu tư, Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí, nhân dân 30% ở những vùng khó khăn, vùng núi, vùng biển, vùng sâu; Nhà nước hỗ trợ 40 - 50%, còn lại là nhân dân đóng góp đối với những vùng đồng đất bằng phẳng, nhiều địa phương trong tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn, sự ủng hộ của nhân dân tích cực đầu tư xây dựng hệ thống các kênh, từ kênh chính, kênh cấp I, II, III tạo ra sự khởi sắc cho diện mạo nông thôn, đồng thời góp phần đưa sản xuất nông nghiệp tiến dần đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Yên Khánh là một trong những huyện thực hiện khá tốt việc kiên cố hóa kênh mương. Đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được trên 100 km/153 km tổng chiều dài kênh mương cần kiên cố. Để có được kết quả đó, huyện đã áp dụng cơ chế hỗ trợ 50% kinh phí đối với kênh nội xã, HTX, 100% đối với kênh liên xã. Các xã làm tốt việc kiên cố kênh mương là Khánh Thành, Khánh An, Khánh Cường… Một số xã trong huyện, ngoài kiên cố hóa kênh mương còn kết hợp kiên cố hóa đường giao thông nội đồng để phát huy hiệu quả hơn của các kênh mương như Khánh An làm được gần 10 km, Khánh Thành làm được 10 km đường nội đồng.
Việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân toàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là hệ thống kênh mương cần kiên cố trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, trong khi nguồn lực của dân đóng góp có hạn, kinh phí dành cho đầu tư còn hạn chế, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện. Hiện toàn tỉnh còn gần 1.860 km kênh mương chưa được kiên cố, trong đó kênh chính trên 30 km, kênh cấp I là 518 km, kênh cấp II trên 566 km, còn lại là kênh cấp III đến mặt ruộng.
Thực tế cho thấy, địa phương có tiềm lực về kinh tế, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất, đời sống nhân dân được nâng lên thì việc huy động đóng góp và kiên cố hóa kênh mương tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đầu tư kiên cố hóa kênh mương ở một số địa phương thực hiện chưa đồng bộ, các kênh chính được kiên cố trong khi kênh nhánh chưa được xây dựng kiên cố dẫn đến hoạt động của các tuyến kênh nhánh hiệu quả không cao, hệ số tổn thất nước lớn…
Đạt mục tiêu kiên cố hóa 838 km kênh mương vào năm 2010, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải tập trung mọi nguồn lực, quan tâm đẩy nhanh đầu tư cho hệ thống kênh mương. Nhằm tạo sự thống nhất trong quản lý, sử dụng và gắn trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, nên có sự cân nhắc, tính toán giao cho UBND các xã làm chủ đầu tư đối với những kênh mương nội xã; kênh liên xã giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư.
Trong khi nguồn vốn đầu tư cũng như huy động trong dân khó khăn, nhiều địa phương mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng ở những vùng khó khăn và 70% đối với các vùng khác. Hy vọng rằng từ sự quan tâm đó, hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng kiên cố phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế của các địa phương không ngừng phát triển.
Hoàng Tâm