Như vậy, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Dịu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: có nhiều nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, rộng.
Trước hết là bệnh dịch tả lợn châu Phi do virus gây ra và hiện tại chưa có vắcxin an toàn và hiệu quả để ngăn chặn bệnh và chưa có phương pháp điều trị bệnh đặc hiệu... nên gây ra tỷ lệ lợn chết cao, có thể lên đến 100% tổng đàn.
Virus gây bệnh lây nhiễm qua rất nhiều đường như các phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus, qua các con vật nuôi tự do (chó, mèo), qua ký sinh trùng, ruồi, muỗi, ve, rận…và đặc biệt là nguồn thức ăn dư thừa ở các nhà hàng, khách sạn có chứa thịt lợn nhiễm bệnh.
Virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng rất cao khi ở ngoài môi trường, khi bệnh xảy ra sẽ trở thành dịch, virus khu trú, tồn tại nhiều năm và rất khó thanh toán dịch.
Với tình hình hiện tại và con đường lây lan, phát tán virus như trên, biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát cần tập trung thực hiện là: tăng cường việc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận; kiểm soát chặt khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn; nhất là việc xử lý số lợn mắc bệnh, tiêu hủy lợn bệnh, bao vây khống chế các ổ dịch phát sinh...
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khuyến cáo: Người chăn nuôi khi thấy lợn bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh phải lập tức thông báo cho cán bộ thú y xã hoặc thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã để cán bộ chuyên môn tới lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh khu vực.
Sau khi xác định được lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi hoặc có những triệu chứng điển hình của bệnh thì tiến hành tiêu hủy ngay.
Địa điểm tiêu hủy phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên chọn địa điểm tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa khiến virus phát tán ra ngoài môi trường.
Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển phụ phẩm và sản phẩm khác đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín để không làm rơi vãi máu và chất thải của lợn trong quá trình vận chuyển và được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy.
Người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh, nghi lợn bệnh cần phải được vệ sinh, sát trùng tránh làm lây lan mầm bệnh.
Địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích, nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).
Kích cỡ hố chôn phải đủ rộng, phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn, theo quy định phải sâu từ 1,5 - 3 m.
Sau khi đào hố, cần rải bạt sau đó rải lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao, phải chứa dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn...
Trên thực tế, tại các địa phương có một số nơi việc xử lý lợn bệnh vẫn chưa đảm bảo quy trình, quy định; vẫn có trường hợp người dân giấu dịch không báo cho chính quyền địa phương; việc triển khai tiêu hủy gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, không lựa chọn được địa điểm phù hợp; vẫn còn tình trang vứt xác lợn chết ra ngoài sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch... khiến mầm bệnh lây lan, phát tán ra môi trường.
Với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu, cùng với việc trên địa bàn có nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn… nên hình thức sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn là khá phổ biến. Phương thức này có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao, bởi thức ăn thừa mang về nhà bị những vật chủ trung gian như ruồi, muỗi, gián và chuột đưa mầm bệnh vào chuồng nuôi lợn.
Vì vậy, không nên sử dụng nguồn thức ăn dư thừa cho lợn; người chăn nuôi trong trường hợp bất đắc dĩ vẫn sử dụng loại thức ăn này cho lợn thì phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như: Thùng lấy thức ăn phải kín, đảm bảo không rơi rớt trên đường; sau khi lấy về phải tiêu độc khử trùng cả xe và thùng thức ăn; phải xử lý thức ăn thừa ở 100 độ C, sôi từ 20-30 phút để đảm bảo diệt virus, diệt hoàn toàn mầm bệnh trước khi cho lợn ăn.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nên định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng và diệt chuột tại khu vực chăn nuôi.
Đinh Chúc