Ngôi trường nhỏ nằm rìa con sông Hoàng Long. Những ngày này, mặc dù nước đã rút nhiều song vẫn còn mấp mé con đường dẫn lối vào trường. Có khách thăm trường, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh và các thầy, cô giáo tạm ngưng công việc dọn dẹp bùn đất trong sân trường để tiếp khách. Cô Hạnh nói, vì nằm ven sông nên năm nào nhà trường cũng bị ngập úng vào mùa mưa bão. Đợt mưa đầu tháng 7 vừa qua, so với trận lũ năm ngoái thì mực nước còn thấp hơn chừng 50 cm nhưng cũng đủ để nhấn chìm sân trường trong nước.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên nhà trường, dấu ấn về đợt ngập vẫn còn đây với những bức tường rêu xanh, những góc sân trường loang lổ bùn đất, những hàng cây héo lá vì ngập úng. Theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn công tác tuyển sinh lớp 1 của các trường Tiểu học bắt đầu từ ngày 24/7 và kết thúc vào ngày 31/7. Tuy nhiên, đó là thời điểm mà Trường đang bị ngập trong nước nên công tác tuyển sinh phải lùi sang gần trung tuần tháng 8.
Để kịp đón học sinh theo đúng khung thời gian quy định, nhà trường vừa bố trí giáo viên tham gia vệ sinh trường lớp, vừa phải cắt cử giáo viên đến những gia đình có con trong độ tuổi ra lớp để tuyên truyền và thông báo về lịch nộp hồ sơ, nhập học cho các cháu. Với sự hỗ trợ của lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã, đến nay, công việc vệ sinh, dọn dẹp trường lớp đã cơ bản hoàn tất. Nhà trường phấn đấu kịp đón học sinh đến lớp theo đúng khung thời gian mà UBND tỉnh quy định.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hạnh - người có gần 20 năm gắn bó với thôn Kênh Gà cho biết, ở đây các thầy, cô giáo đều thuộc nằm lòng từng hoàn cảnh, địa chỉ gia đình của các học trò. Cô Hạnh nhớ lại, xưa kia người dân Kênh Gà nghèo lắm, quanh năm quăng chài, thả lưới cũng chỉ bữa no bữa đói chứ không có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Những năm gần đây, nhờ phát triển nghề vận tải thủy đời sống bớt khó khăn, nhiều gia đình xây được nhà khang trang. Tuy nhiên, những bấp bênh của nghề vẫn mang cái đói, cái nghèo quay lại bất cứ lúc nào. Hiện nay, nhà trường có 259 học sinh thì có 20 em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ở Trường Tiểu học Gia Thịnh B, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Nhi là một giáo viên yêu nghề, sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của ngôi trường vùng lũ. Cô giáo Nhi quê ở xã Đức Long (huyện Nho Quan) và đã có 37 năm đứng trên bục giảng, trong đó có 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học Gia Thịnh B. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là cô Nhi về hưu, và mặc dù con cái luôn mong mẹ về dạy ở gần nhà cho đỡ vất vả, Phòng Giáo dục và Đào tạo Gia Viễn cũng sẵn sàng tạo điều kiện để cô về gần nhà, song cô Nhi vẫn quyết tâm bám trường, gắn bó nốt thời gian còn lại với những học trò vùng khó.
Cô Nhi chia sẻ, bản thân cô sinh ra và lớn lên ở vùng lũ, vì vậy cô thấu hiểu những nhọc nhằn, thiệt thòi của các em nhỏ nơi đây, nhất là trong hành trình đến trường. Nhìn vào ánh mắt thơ ngây, lo lắng của học trò mỗi khi mùa mưa tới là cô lại thấy hình ảnh mình trong đó và càng thêm quyết tâm để gắn bó với các em.
Không chỉ là những vất vả do thiên nhiên mang lại, mà những thầy, cô giáo ở đây còn vất vả gấp bội trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Bởi lẽ, 80% hộ dân ở Kênh Gà làm nghề vận tải thủy, bôn ba quanh năm trên sông nước, do đó thiếu đi sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con trẻ. Thậm chí, mỗi năm con cái mới được đoàn tụ với bố mẹ vào dịp nghỉ hè và vài ngày Tết, việc chăm sóc, giáo dục con phó thác cả cho ông bà nội ngoại và nhà trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, các thầy, cô phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba.
Vất vả là vậy, song niềm vui đối với thầy, cô là chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, nếu như trước đây có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình thì đến nay không còn tình trạng này nữa. Và những khó khăn do mưa bão, lũ lụt không làm nản lòng cô và trò vùng lũ trong hành trình tìm kiếm cái chữ.
Bài, ảnh: Đào Hằng