Làm gì để tạo được sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ? Với "cầu nối" là công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhiều đơn vị đã "biến" việc khó thành đơn giản khi xây dựng được "tiếng nói chung".
Đồng thuận trong giải phóng mặt bằng
Phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) và xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) là hai trong số nhiều địa phương trong tỉnh mấy năm qua phải thực hiện nhiệm vụ bàn giao mặt bằng để xây dựng các công trình quan trọng của tỉnh. Đặc điểm mỗi địa phương có khác nhau nhưng có cái khó chung là phần lớn diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi. Đối với người dân phố 9, phường Đông Thành, gần 1/2 dân số trong phố đã bao năm gắn bó với đồng ruộng, nên khi nghe tin phải bàn giao ruộng đất để đổi nghề, ai nấy đều lo lắng. Chỉ khi đội ngũ cán bộ phố cùng vào cuộc tuyên truyền, giải thích cặn kẽ các chủ trương, quy định của Nhà nước, pháp luật có liên quan, ai cũng vỡ ra nhiều điều và có nhận thức đúng về nghĩa vụ của công dân, của gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư chi bộ phố nhớ lại: Qua nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân tuy có lo lắng cho cuộc sống sắp tới nhưng người nào cũng phấn khởi trước sự chuyển động của các công trình đã và đang đem lại những đổi thay tích cực cho thành phố. Những ngày trước giải phóng mặt bằng, cùng với đội ngũ đảng viên trong chi bộ, đại diện các đoàn thể, công việc của ông Bí thư chi bộ phố có bận rộn và đi nhiều hơn ngày thường. Nhưng bù lại, đi đến đâu, gặp ai, trò chuyện với gia đình nào, ông cũng nhận được sự tin tưởng và nhất trí của người dân khu phố khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới. Phần lớn người dân, qua tuyên truyền, vận động đều nhận thức rõ đây là trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng thành phố - trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh thêm đẹp, thêm khang trang.
Như gia đình bà Đinh Thị Hòa, tổ trưởng tổ dân phố 9 cũng thuộc diện có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Gia đình bà chấp hành nhanh chóng việc bàn giao. Coi đó là việc nên làm trước vì "mình là cán bộ phải gương mẫu thì khi nói mọi người mới nghe, mới tin". Cho đến khi công trình Nhà thi đấu TDTT tỉnh, rồi tuyến đường Lương Văn Thăng được hình thành, thay thế cho những con đường lầy lội bùn đất, người dân khi gặp nhau đều phấn khởi vì mình đã làm đúng, làm tròn trách nhiệm đối với tiến trình đô thị hóa của một thành phố trẻ.
Là một thôn có đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên đối với người dân thôn Tập Ninh (xã Gia Vân - Gia Viễn) không dễ gì xa hẳn ruộng vườn đã bao năm gắn bó. Tư tưởng giữ đất của người nông dân khi được đề cập đến việc phải bàn giao diện tích cho việc hình thành khu du lịch sinh thái Vân Long chính là cái khó trong công tác tuyên truyền, vận động nơi đây.
Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của người dân trong thôn như vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của thôn phải bàn bạc, thảo luận để thống nhất cách làm, cách tiếp cận, cách giải thích sao cho phù hợp, thiết thực. Qua đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được đưa ra trên cơ sở các lý lẽ vận dụng mềm dẻo, linh hoạt của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua tuyên truyền, ai cũng nhận thức được nếu vì tư tưởng giữ đất của mình mà để khu du lịch sinh thái Vân Long phải "ngủ yên", không đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và thu nhập cho nhân dân thì thật là đáng tiếc. Bên cạnh đó, do chỉ phải bàn giao 40 ha nên diện tích đất nông nghiệp của thôn còn nhiều.
Từ sự nhận thức đúng đắn như vậy nên công tác giải phóng mặt bằng của thôn không phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo và hoàn thành rất nhanh việc bàn giao mặt bằng.
Đồng lòng trong việc tìm phương thức làm ăn mới
Sau giải phóng mặt bằng, cuộc sống của người dân thôn Tập Ninh bước sang một giai đoạn mới mà mọi người vẫn hay đùa là "cuộc sống số". "Cuộc sống số" ở Tập Ninh chính là việc gia đình nào trong thôn cũng đăng ký số thuyền để tham gia chở khách du lịch tham quan Khu du lịch sinh thái Vân Long. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thường, Bí thư chi bộ thôn: Vào mùa du lịch từ tháng 8 hàng năm trở đi, mỗi thuyền cứ 2 ngày có 1 lượt chở khách nên thu nhập mỗi tháng cũng được 500-600 nghìn đồng. Vì theo số thứ tự và theo lịch làm việc do Ban quản lý khu du lịch sắp sẵn nên cùng với nghề chèo thuyền, người dân trong thôn chủ động làm thêm các nghề khác để kiếm sống. Qua sự lãnh đạo của chi bộ thôn, các đoàn thể ở đây đã chủ động tín chấp cho hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất, phát động phong trào làm vụ đông, mở các dịch vụ phục vụ du lịch...
Đối với lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên, qua tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, gia đình nào cũng muốn con, em mình có việc làm ổn định tại quê hương, không phải đi làm ăn xa, thôn đã liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để tạo điều kiện cho lao động trẻ đến học nghề, làm việc. Cho đến nay, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Tân Lập Phong đã thu hút hàng chục lao động trong thôn vào làm việc với mức thu nhập khá. Nhiều ngành nghề từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã ưu tiên khi tiếp nhận các lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp. Hoạt động tích cực của thôn sau giải phóng mặt bằng không chỉ tạo việc làm, ổn định cuộc sống nhân dân mà kết quả đó còn góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm dần qua các năm. Hiện Tập Ninh có tỷ lệ hộ nghèo vào diện thấp nhất so với các thôn trong xã.
Cũng như thôn Tập Ninh, nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền phố 9, phường Đông Thành sau giải phóng mặt bằng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động trong tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống. Thuận lợi là phố có nhiều diện tích "bám" mặt đường và có địa điểm Nhà thi đấu TDTT tỉnh nên nhiều người dân trong phố không trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, nhanh chóng chọn cho mình các ngành nghề kinh doanh phù hợp.
Như gia đình bà Đinh Thị Hòa, sau giải phóng mặt bằng, với thuận lợi ở sát mặt đường Lương Văn Thăng nên bà đã mở quán bán các mặt hàng giải khát. Dọc tuyến phố, có hàng chục gia đình đã kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Đối với những hộ trong ngõ, không thuận lợi trong kinh doanh tại nhà, họ chuyển đến kinh doanh, buôn bán tại các chợ, các địa điểm đông dân cư trong thành phố, tranh thủ thời gian và thời vụ rảnh rỗi thì làm thêm nghề phụ, làm dịch vụ cho thuê nhà trọ...
Nghề phụ ở phố rất đa dạng nhưng đến nay có nghề khâu chăn bông xuất khẩu được chi hội phụ nữ phố duy trì đều đặn nếu làm chăm chỉ, thường xuyên, cho thu nhập từ 40 - 50 nghìn đồng/người/ngày nếu làm thường xuyên, chăm chỉ. Đặc biệt, là địa bàn đứng chân của Công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Thành nên hơn 100 lao động trẻ đã có việc làm ổn định tại đây. Theo đánh giá từ UBND phường, sau 5 năm giải phóng mặt bằng, 100% lao động phố 9 đã có việc làm ổn định. Không chỉ có vậy, từ một địa bàn "trắng" về các công trình công cộng, đến nay phố 9 đã xây dựng được nhà văn hóa trị giá 400 triệu đồng, hệ thống cống rãnh, đường nội phố 100% được đổ bê tông.
Bài, ảnh: Bùi Diệu