Con số này phần nào phản ánh chất lượng thật và tính nghiêm túc của cuộc vận động "2 không" ở các trường THCS. Tuy nhiên, từ năm học 2006-2007, Bộ giáo dục- đào tạo đã có quy định cho phép học sinh không đủ điều kiện xét tốt nghiệp đợt 1 được ôn tập và đăng ký thi lại để đủ điểm xét tốt nghiệp vòng 2. Chính quy định này đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong việc thực hiện cuộc vận động "hai không". Xét về một góc độ nào, chúng ta đã tạo để những học sinh này có điều kiện để tham gia học nghề, chuẩn bị cho mình hành trang bước vào cuộc sống. Nhưng, một số ý kiến lại cho rằng: khi thực hiện việc xét tốt nghiệp THCS lần 2 đã làm mất đi tính nghiêm túc của việc xét tốt nghiệp THCS. Phải chăng đây là một hình thức biến tấu của bệnh thành tích, vì như vậy là cố tình đẩy học sinh lên lớp.
Năm học 2007-2008, huyện Yên Mô có 150 học sinh không đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS, trong đó một số trường như: THCS Yên Đồng, Yên Lâm, Vũ Phạm Khải (Yên Mạc) có số học sinh trượt khá đông (trên 20 em). Phòng giáo dục- đào tạo đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập trong dịp hè để giúp học sinh hệ thống lại kiến thức và làm bài thi tốt để đủ điều kiện tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, học sinh cũng không mấy mặn mà với việc ôn tập. Đến ngày cuối cùng toàn huyện cũng chỉ có trên 50% học sinh đăng ký thi lại. Như vậy, học sinh cũng đã tự đánh giá được lực học của mình nên không theo tiếp vào học THPT.
Ông Vũ Trọng Thứ, trưởng phòng giáo dục- đào tạo huyện Yên Mô nêu quan điểm: "Chúng ta kiên quyết làm thật chặt chẽ trong việc xét tốt nghiệp THCS theo tinh thần của cuộc vận động 2 không để tránh "bệnh thành tích" và việc "học sinh ngồi nhầm lớp". Vì thế không nên tổ chức kỳ xét tốt nghiệp lần 2. Nếu học sinh nào có nhu cầu học tiếp thì bắt buộc phải học lại một năm, còn lại nên phân luồng để học sinh đi học nghề".
Ông Hoàng Hải Hưng, phó phòng giáo dục- đào tạo huyện Gia Viễn nói: "Để xét tốt nghiệp cho học sinh, giáo viên phải dựa trên cả một quá trình học THCS. Khi một học sinh trượt tốt nghiệp, giáo viên đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Những học sinh đã không đủ điều kiện tốt nghiệp lần 1 có nghĩa là lực học quá yếu. Cả quá trình học tập 4 năm mà học sinh còn không nỗ lực được thì trong 1 tháng ôn tập, liệu có đem lại kết quả như chúng ta mong muốn?".
Ông Hoàng Khải Hưng cho rằng: Thực tế cho thấy, so với nhiều tỉnh thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS của tỉnh Ninh Bình là khá cao. Việc xét tốt nghiệp THCS vòng 2 chỉ nên áp dụng đối với những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 90%. Huyện Gia Viễn năm nay tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 95%, chỉ có 5% học sinh không đủ điều kiện. Số học sinh trượt nằm rải rác ở các trường với số lượng không nhiều (dưới 10 học sinh). Vì vậy, 5% lưu ban là chấp nhận được, không cần phải tổ chức xét tốt nghiệp lần 2.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Ninh, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng thì Bộ giáo dục- đào tạo không nên tổ chức xét tốt nghiệp THCS lần 2, mà nên cho học sinh lưu ban học lại để có được kiến thức vững chắc thực sự. Những năm gần đây học sinh cấp 1, 2 giảm nhiều vì vậy cơ sở vật chất của các trường vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu học lại của học sinh.
Linh Nhi