Những bất cập từ chính sách
Bà Lã Thị Lụa, Trưởng phòng giáo dục Mầm non, Sở giáo dục- đào tạo Ninh Bình cho biết: Quy định các nhà trẻ phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi có từ thời bao cấp, chứ không phải mới ban hành. Nhưng do trước đây, lương cô giáo được nhà nước bao cấp 100%, nên việc nhận các cháu ở độ tuổi nào lương của giáo viên cũng không hề thay đổi. Sau khi chuyển đổi cơ chế, lương cô giáo được trả theo 3 cấp và phụ thuộc vào tiền thu từ trẻ cộng với cơ sở vật chất không được đầu tư nên các cô không muốn nhận trẻ từ 3- 18 tháng".
Để gửi một trẻ từ 3-18 tháng tuổi tại các nhà trẻ tư thục giá trung bình hiện nay là 400 ngàn/ tháng. Trong khi đó mức thu đối với các trường mầm non của Nhà nước là từ 18-35 ngàn đồng/cháu. tương ứng với mức thu này cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước lương giáo viên khoảng 700 ngàn đồng/ cô. Với giá cả thị trường hiện nay 700 ngàn thì giáo viên mầm non không đủ để nuôi sống bản thân. Mặc dù đã có quy định mức thu học phí của mầm non sẽ thu theo thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường, nhưng không có trường nào được phép thu cao hơn mức quy định của HĐND.
Bà Lã Thị Lụa khẳng định: Việc nhận trẻ 3 tháng tuổi vào hệ thống nhà trẻ là cần thiết và là giải pháp phù hợp cho những gia đình có thu nhập thấp. Nhưng để làm được điều này cần phải điều chỉnh mức thu học phí của trẻ và lương cho giáo viên. Nếu như các nhà trẻ của nhà nước cũng được thu mức thu như ở các nhà trẻ tư thục thì tôi tin các cô sẽ không ngại giữ trẻ từ 3 tháng tuổi.
Bất cập thứ 2 từ chế độ chính sách chính là mức định biên của giáo viên đối với nhóm trẻ từ 3-18 tháng tuổi. Theo quy định thì nếu muốn thành lập một lớp mầm non phải có đủ 15 cháu để hình thành một nhóm trẻ và mức định biên là 3 cô giáo/nhóm. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng giáo dục huyện Nho Quan cho biết: nhóm trẻ từ 3-18 tháng tuổi, các cháu đang trong độ tuổi ăn rặm vì vậy chế độ chăm sóc là rất khác nhau, có khi phải yêu cầu 1 cô/1 cháu. Với mức định biên này giáo viên không thể nào xoay sở kịp với 5 cháu 1 lúc. ở độ tuổi này, sự chăm sóc của mẹ là quan trọng nhất.
Phụ huynh dè dặt nếu gửi con từ 3 tháng tuổi.
Quyết định của Bộ DG- ĐT đã được hơn 3 tháng nhưng hầu hết phụ huynh đều rất đắn đo có nên gửi con từ 3 tháng tuổi.
Chị Quách Thị Hương, thành phố Ninh Bình nói: Tôi không thấy ai đưa trẻ từ 3 tháng tuổi đến các cơ sở mầm non Nhà nước, sau khi hết thời gian nghỉ sinh 4 tháng tôi phải thuê người giúp việc với giá 600 ngàn đồng/ tháng. Thời gian này trẻ ăn rặm, tôi nghĩ các cô giáo ở trường dù có nhiệt tình, trách nhiệm cũng không thể chăm sóc tốt nhiều cháu 1 lúc. Hơn nữa cơ sở vật chất ở các nhà trẻ của Nhà nước cũng không đảm bảo yêu cầu của phụ huynh. Chưa kể đến những lo lắng ám ảnh đối với bậc làm cha mẹ trước hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em, bớt xén tiền ăn, thức ăn không đảm bảo…những điều này làm phụ huynh không mấy ai muốn gửi con dưới 1 tuổi đến các trường mầm non.
Chị Lại Thị Minh, mới sinh con đầu lòng được 4 tháng, công nhân của công ty liên doanh, thu nhập không cao, thời gian làm việc khá nghiêm ngặt, khi biết quyết định gửi trẻ từ 3 tháng tuổi tại các cơ sở mầm non chị rất mừng nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn: Khi trẻ 3 tháng tuổi thì dù nhà trường có nhận phụ huynh cũng rất lo lắng vì đi về hằng ngày từ nơi ở đến nhà trẻ không hề đơn giản. Ngày nắng, ngày mưa, khi thời tiết thay đổi liệu trẻ nhỏ có chống chịu được không? 3 tháng tuổi, trẻ còn quen hơi mẹ, làm thế nào để cô trông trẻ đảm nhận được vai trò này mà vẫn giữ được sự khỏe mạnh và sự phát triển trí tuệ của trẻ?
Chị Trần Lan Anh (thành phố Ninh Bình) nói: Hiện nay, mỗi gia đình cũng chỉ sinh từ 1-2 con, ai cũng muốn có điều kiện chăm sóc con được tốt hơn. Thời gian nghỉ sinh là 4 tháng thực sự là quá ít, trong khi người ta khuyến cáo là nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. 4 tháng đi làm con còn quá nhỏ người mẹ không yên tâm công tác, lên cơ quan chỉ chờ xem rảnh rỗi là về tranh thủ với con. Công việc trong thời gian này hiệu quả thường không cao.
Các trường mầm non lúng túng
Trường mầm non Nam Thành (thành phố Ninh Bình) Đã hơn 20 năm nay không có trẻ từ 3-18 tháng tuổi, hầu hết là các cháu từ 24-36 tháng tuổi. Chính vì thế nếu bây giờ bắt buộc phải nhận trẻ ở nhóm 1 thì nhà trường thực sự lúng túng. Phòng của các cháu nhóm 1 yêu cầu rất cao, phải ở nơi tĩnh lặng, có nhà ăn riêng, phòng ngủ riêng, nhà đi bô, phòng luyện tập. Trong khi đó cơ sở vật chất của nhà trường cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các cháu ở các nhóm 2 và 3 có những lớp mẫu giáo đông lên đến gần 50 cháu. Hơn nữa, do thời gian quá lâu các cô giáo không được tập huấn kỹ năng trông trẻ từ 3-18 tháng nên kiến thức đã mai một. Bây giờ nếu muốn nhận thì phải đào tạo lại và phải có mức định biên khác, chứ 1 cô không thể trông 5 cháu như quy định hiện nay.
Theo bà Đồng Thị Hoa, Hiệu trưởng trường mầm non Nam Thành (thành phố Ninh Bình) Nhà trường cũng như giáo viên không ngại khó khi nhận trẻ 3-18 tháng nhưng với điều kiện về cơ sở vật chất cũng như con người hiện có của nhà thì chúng tôi không thể đảm bảo sẽ có chế độ chăm sóc tốt cho các cháu.
Không chỉ có trường mầm non Nam Thành, mà thực tế nhiều trường mầm non kể cả những trường đã đạt chuẩn cũng đều khẳng định chưa thể nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Lý do đưa ra cũng khá nhiều như: chưa thể đầu tư cơ sở vật chất để có ngay một hệ thống phòng hoàn thiện cho các cháu từ 3 tháng tuổi, bên cạnh đó, trẻ trong giai đoạn này còn bú mẹ nên phải bố trí phòng để các bà mẹ đến cho con bú, phải tuyển thêm giáo viên, bảo mẫu có trình độ chuyên môn trông trẻ từ 3 tháng tuổi. Đối với trẻ nhỏ giáo viên phải trở thành người mẹ thực sự với những kinh nghiệm không thể thiếu về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cho trẻ…để các bà mẹ yên tâm khi gửi con.
Tất cả những điều này chưa thể thực hiện ngay được trong những năm học tới. Việc tuyển giáo viên, bảo mẫu không chỉ khó về số lượng mà còn khó về đảm bảo chất lượng. Đó là còn chưa kể đến việc tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường giáo viên, bảo mẫu thì phải "tăng chi". Nếu ở các cơ sở tư thục thì có sự hỗ trợ của phụ huynh nhưng đối với các cơ sở mầm non công lập thì sẽ như thế nào?.
Từ những thực tế trên Bà Lã Thị Lụa cho rằng: Tôi nghĩ, thay vì bắt buộc các nhà trẻ nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi thì Nhà nước nên nghiên cứu để các bà mẹ được kéo dài thời gian nghỉ là 6 tháng. Để các trường mầm non có thể tiến hành nhận trẻ dưới 1 tuổi đảm bảo chất lượng, an toàn mà vẫn nằm trong khả năng chi trả của phụ huynh thì Nhà nước cần phải hỗ trợ một phần kinh phí. Nếu không việc nhận trẻ từ 3 tháng tuổi sẽ rất khó thành hiện thực. Bộ GD-ĐT cũng như các ngành chức năng cần sớm có một chính sách đồng bộ thì việc thực thi tại cơ sở mới thuận lợi.
Nguyễn Thơm