Khuôn mặt sáng, lanh lợi, đôi mắt thông minh, đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với cô giáo trẻ Bùi Thị Thủy, giáo viên Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình. Khi chúng tôi đến, cô Thủy đang hướng dẫn học sinh tiết thực hành trên mô hình do chính cô sáng tạo ra. Nhờ có mô hình sát với thực tiễn nên những tiết học trở nên thú vị, hấp dẫn và hiệu quả hơn nhiều.
Được biết một số mô hình dạy nghề của cô Thủy đã giành giải cao ở các hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc những năm gần đây và có tính ứng dụng cao không chỉ sử dụng cho Khoa Cơ điện mà còn dùng cho học sinh ở nhiều khoa khác, đó là mô hình thang máy tầng, đoạt giải nhì Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2011; mô hình cần trục được giải nhì năm 2013, mô hình trộn và phun sơn tự động năm 2016… Mới đây nhất, trong năm học 2016-2017, cô Thủy cùng các giáo viên trong trường đã tham gia thiết kế và chế tạo "Hệ thống lò đốt vỏ trấu tự động tạo than sinh học" do Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng, đã nghiệm thu và được đánh giá cao. Trong quá trình thực hiện, bất kỳ mô hình nào cô Thủy đều mời thêm sự hỗ trợ của một số giáo viên các khoa khác như cơ khí, hàn… Đặc biệt, nhằm tận dụng cơ hội để học sinh thực hành, cô Thủy còn "kéo" học sinh cùng tham gia, có những mô hình cô và trò phải làm tới 6-7 tháng mới hoàn thành.
Chia sẻ về niềm đam mê chế tạo mô hình dạy học, cô giáo Thủy chia sẻ: tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Khoa Điện tử, cô Thủy được giữ lại giảng dạy tại trường. 5 năm sau, vì điều kiện gia đình, cô Thủy chuyển về công tác tại Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng Nghề cơ giới. "Quá trình gắn bó với công tác giảng dạy cho thấy, một trong những điểm yếu của học sinh, sinh viên các trường nghề sau khi ra trường là thiếu kiến thức thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là, mặc dù định lượng thời gian thực hành cho học sinh là 2/3 quỹ thời gian học, song trên thực tế đa số các trường nghề đều học nặng về lý thuyết, học sinh không có điều kiện đi thực tế thường xuyên trong quá trình học, trong khi đó thì những mô hình, trang thiết bị dạy nghề của các trường còn nhiều thiếu thốn, chưa sát với thực tiễn. Từ thực tế này, tôi bắt đầu mày mò, sử dụng những kiến thức mà mình có để sáng tạo ra các mô hình, thiết bị dạy học. Những mô hình này vừa tăng sự hấp dẫn cho mỗi tiết học, vừa giúp học sinh nắm vững kiến thức, thực hành tốt"- cô Thủy chia sẻ. Trong quá trình vận hành, có những bộ phận của mô hình bị hỏng thì đây chính là cơ hội để các em học sinh phát hiện nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục. Hiệu quả lớn, song hầu hết những mô hình, thiết bị này đều được làm từ nguồn nguyên vật liệu tận dụng. Nhờ được tiếp cận với các mô hình này mà những năm gần đây, chất lượng học sinh sau khi ra trường được đánh giá cao. Các em tự tin và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Thầy giáo Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ giới khẳng định: Thực tế ở các cơ sở đào tạo nghề, thì việc hướng dẫn học sinh thực hành gặp rất nhiều khó khăn. Sau mỗi giờ học lý thuyết, đòi hỏi học sinh phải được tiếp cận với thực tiễn, tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh đi thực tế. Thậm chí, ngay cả được đi thực tế thì học sinh cũng chỉ được xem là chủ yếu chứ khó được thực hành do yêu cầu nghiêm ngặt của đơn vị thực tập. Trong khi đó, việc mua các thiết bị, mô hình dạy nghề cho học sinh thực hành rất khó bởi kinh phí cao. Thậm chí, có tiền cũng khó mua được những thiết bị phù hợp với chương trình dạy nghề của mỗi đơn vị. Bởi vậy, những người trực tiếp giảng dạy chính là nhân tố cốt lõi trong việc cải tiến, sáng tạo ra những thiết bị phù hợp nhất với thực tế đào tạo. Hàng năm, nhà trường đều phát động phong trào tự làm các thiết bị dạy nghề, từ đó, phát huy tính sáng tạo của mỗi giáo viên. Trong những năm qua, cô giáo Bùi Thị Thủy luôn là người gương mẫu, đi đầu trong việc hưởng ứng phong trào và thực tế, các mô hình của cô Thủy luôn được đánh giá cao về tính ứng dụng và tiết kiệm cả tỷ đồng. Ví dụ như chiếc cần trục, nếu phải mua "hàng thật" cho học sinh thực hành thì mất từ 3-5 tỷ đồng, nếu mua bằng mô hình ở ngoài thị trường cũng mất chừng trên 400 triệu đồng mà chưa chắc đã sát với thực tế đào tạo của trường. Nhưng với mô hình do cô Thủy tự tạo ra thì với giá thành ở mức dưới 100 triệu đồng, lại có nhiều cải tiến, bám sát sự phát triển của các sản phẩm thực tế.
Nguyễn Hùng