Sinh năm 1980, vào ngành năm 2005, cô Liên được nhà trường phân công bồi dưỡng đội tuyển HSG môn lịch sử. Với lòng tận tụy, yêu nghề, cô đã tâm huyết, nỗ lực bồi dưỡng cho đội tuyển HSG môn lịch sử của trường đạt được nhiều thành tích đáng kể: Năm học 2012-2013 có 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh (trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì); năm học 2013-2014, có 3/3 học sinh đạt giải cấp tỉnh (trong đó có 2 giải nhì, 1 giải ba), góp phần đưa đội tuyển của thị xã Tam Điệp xếp thứ nhất và thứ ba trong tỉnh. 2 năm học gần đây (2014-2015 và 2015-2016), cô Liên được phân công trực tiếp dạy đội tuyển HSG lịch sử của thành phố Tam Điệp, kết quả đội tuyển môn lịch sử của thành phố luôn xếp thứ hạng cao trong tỉnh; trong đó, gần 50% số giải của đội tuyển là học sinh trường THCS Yên Sơn nơi cô giảng dạy và hầu hết các em đạt giải cao. 2 năm học gần đây, đội tuyển HSG môn lịch sử lớp 9 của thành phố Tam Điệp đều đạt giải cao, luôn xếp thứ nhất, nhì trong tỉnh. Chia sẻ về môn lịch sử, cô Đinh Thị Liên cho biết: Trong nhiều năm gần đây, môn lịch sử bị coi là yếu thế hơn các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, các em học sinh ít hứng thú với môn học này. Trước thực tế đó tôi rất trăn trở và suy nghĩ, mong muốn mình được góp một phần công sức, trách nhiệm để giảng dạy cho các em nắm bắt về lịch sử quê hương, đất nước, nhân lên tình yêu, niềm tự hào về quá khứ, về truyền thống tốt đẹp của cha ông. Theo đó, để có được những thành công trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử nói riêng, tạo hứng thú cho học sinh học môn sử tại trường nói chung, cô giáo Đinh Thị Liên không chỉ hiểu rõ mục đích khi dạy môn học này mà còn thực sự tâm huyết, say mê để truyền lửa cho các em. Cô cũng luôn nhắc nhở học sinh rằng, Lịch sử không phải là một môn học khô khan, khó hiểu, khó nhớ mà điều quan trọng là cần có phương pháp tiếp cận phù hợp.
Cô Liên tâm sự: Để đạt được mục đích đó, đòi hỏi người giáo viên, ngoài việc nắm chắc kiến thức bộ môn, cập nhật kiến thức kịp thời còn phải đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá. Đặc biệt trong giảng dạy, quan trọng hơn là sự kết hợp giữa việc dạy theo giáo án với việc minh họa bằng sơ đồ, biểu đồ, tranh, ảnh để tránh nhàm chán, lối mòn cho các em; đồng thời kết hợp giữa việc học lịch sử trong nước với lịch sử thế giới; giữa học trên lớp với việc tham quan, thực tế tại những nơi ghi dấu lịch sử… Cùng với đó, việc ra đề thi phải rõ ràng, chính xác, không chỉ là kiểm tra kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa của các em mà còn phải luôn khuyến khích các em trả lời theo dạng "mở", từ đó đánh giá được kiến thức chung, kỹ năng, sự sáng tạo của học sinh.
Theo cô giáo Đinh Thị Liên, để có được những tiết giảng hay, hấp dẫn, trong quá trình soạn bài, cô đã không tự bằng lòng với những kiến thức trong sách giáo khoa mà luôn phải tham khảo, bổ sung tư liệu, đồng thời thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất. Đối với các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi, cô gần gũi, quan tâm rèn cho các em kỹ năng học bài và làm bài; nắm rõ hoàn cảnh của từng em để động viên, chia sẻ và khuyến khích các em chăm chỉ học tập; đồng thời công tâm, công bằng, khách quan và chính xác khi lựa chọn đội tuyển đi dự các cuộc thi, giúp các em tự tin, nỗ lực hết mình để không phụ sự lựa chọn của cô giáo.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề dạy học, vượt qua những khó khăn trong công tác và cuộc sống, cô giáo Đinh Thị Liên liên tục là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở… Nhưng điều đáng nói hơn là cô đã cố gắng và giữ lửa được niềm đam mê với một môn học khó mà nhiều giáo viên và học sinh hiện nay thường "tránh né". Mục tiêu thời gian tới của cô giáo dạy giỏi môn lịch sử này là tiếp tục niềm say mê sáng tạo trong dạy học, truyền lửa cho những lớp thế hệ học trò niềm tự hào dân tộc, để các em thấy rõ trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước.
Khải Hoàn