Sinh ra trong một gia đình đông con nghèo ở tỉnh Bắc Giang, vậy nhưng ngay từ nhỏ, cô Tuyết và 5 anh, chị em khác vẫn được cha mẹ tạo điều kiện cho đến trường. Những ngày đến lớp, nhìn thầy cô giáo say sưa trong từng tiết giảng, cô bé Tuyết đã rất ngưỡng mộ nghề giáo và khát khao có ngày được dứng trên bục giảng. Có mục tiêu rõ ràng, Tuyết càng có thêm động lực cho việc học của mình, vì vậy suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, Tuyết đều có thành tích học rất tốt. Những lúc giúp bố mẹ việc nhà như nấu cơm, nấu nước, cô đều lấy than mà làm phấn, lấy nền đất làm bảng đen để viết chữ, bắt chước làm cô giáo giảng bài cho học trò. Tình yêu với nghề giáo lớn dần theo năm tháng, và cô bé đã thi đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh Bắc Giang. Ngày ra trường cũng là ngày Tuyết nhận lời cầu hôn với một chàng trai ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Cô giáo Tuyết cũng được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Thạch Bình của huyện Nho Quan- nơi cách gia đình chồng cô Tuyết đến 18 cây số. "những ngày đầu, còn lạ nơi ở, nơi làm việc nên tôi cảm thấy khá buồn. Vậy nhưng cũng thật đặc biệt, được tiếp xúc với những ánh mắt trẻ thơ, những đứa trẻ mà cuộc sống của chúng còn quá nhiều khó khăn, thiệt thòi tôi lại thấy thật thân thương, gắn bó như thể mình sinh ra là để dành cho nơi này"- cô giáo Tuyết nhớ lại. Và với tình cảm ấy, hàng ngày cô giáo trẻ vượt qua chặng đường 18 cây số để tới trường bằng chiếc xe đạp "cà tàng". "Thời tôi mới ra trường và nhận công tác ở đây thì điểm trường này chỉ là ngôi nhà bằng đất, lợp lá mía thôi. Dân cư ở đây còn thưa thớt lắm. Đường sá đi lại rất khó khăn chứ chưa có đường bê tông, rải nhựa như bây giờ. Các cháu trong độ tuổi đến trường thì đông, song vì nhà nghèo quá lại thêm điều kiện đi lại khó khăn nên hầu như không tới lớp…
Mới ra trường, lại gặp những khó khăn lớn ấy nên nhiều khi cũng thấy nản lắm. Song được sự động viên của những thầy cô đi trước, hàng ngày chứng kiến sự bền bỉ, yêu nghề của tập thể giáo viên nhà trường, tôi lại như được tiếp thêm nghị lực, lại căng tràn nhiệt huyết với nghề"- cô Tuyết nói. Và để mọi trẻ em đều được đến trường, hàng ngày, cô giáo trẻ cùng với đội ngũ giáo viên của điểm trường không quản mưa nắng hay rét buốt, đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con đến lớp. Để các tiết học trở nên hứng thú, các cô giáo đi quyên góp từng bộ bàn ghế, tỉ mẩn vẽ từng bức tranh, làm từng đồ dùng học tập cho các em. Các cô đổi mới, nâng cao nội dung mỗi buổi học để tạo hứng thú cho học sinh. "Mưa dầm thấm lâu", tích cực vận động cuối cùng các phụ huynh cũng bắt đầu quan tâm đến sự học của con em và ngày càng dành tình cảm, sự tin tưởng cho các thầy cô giáo. So với các giáo viên trong trường thì cô giáo Tuyết vất và hơn bởi con đường hàng ngày đến trường của cô khá xa. Bố mẹ chồng mất sớm, vậy nên cô phải tự mình xoay sở mọi việc trong gia đình, nhất là khi các con cô còn nhỏ thì nỗi vất vả ấy tăng lên gấp bội.
Buổi sáng, cô dậy từ tinh mơ để chuẩn bị bữa cháo cho con, rồi đưa đi gửi trẻ. Cô Tuyết bảo, may mắn cho tôi là tôi có những người hàng xóm tốt bụng và các cô giáo dạy mầm non rất thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Vì chưa đến giờ mở lớp nên tôi phải mang con đến tận nhà cô giáo để gửi. Sau đó, cô mải miết đạp xe đến trường. "Những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng phía trước tôi là những ánh mắt đợi chờ của học trò nhỏ vì vậy mọi mệt mỏi dường như tan biến. Trong đầu chỉ hiển hiện những trăn trở làm sao để mang đến cho học trò những tiết học hấp dẫn, lý thú nhất mà thôi"- cô Tuyết chia sẻ. Không có đủ thời gian để về nhà, vì vậy mà buổi trưa cô tự nấu cơm để ăn tại trường. Xong tiết dạy buổi chiều là trời cũng nhá nhem, cô lại vội vã trở về nhà để tiếp tục nhiệm vụ của một người mẹ. Để có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình nhỏ, vợ chồng cô cấy thêm 4 sào ruộng và chăn nuôi thêm lợn gà. Vào mùa vụ ,đêm đêm, cô phải thức khuya hơn để tỉ mỉ soạn từng trang giáo án.
Thấm thoắt, mà đã có hơn 20 năm cô giáo Tuyết gắn bó với vùng quê Thạch Bình, với những lớp học trò nghèo mà hiếu học. Cô giáo trẻ măng năm nào giờ mái tóc cũng đã bắt đầu pha sương. Những ngày này, nhà trường và các bậc phụ huynh đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón năm học mới. Cô giáo Tuyết phấn khởi nói, được sự quan tâm của huyện, của xã và sự chung tay của các bậc phụ huynh, trong năm học mới này, điểm trường lẻ Lạc Bình- nơi cô giáo Tuyết dạy học đã được đầu tư xây mới 2 phòng học khang trang. Với sự đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, tin rằng cô và trò nhà trường sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm học 2016-2017 này.
Nguyễn Hùng