Được biết, để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong dịp hè, UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đều có công văn phổ biến quy định của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian học sinh nghỉ hè, các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình; đồng thời yêu cầu các trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo cho các em có những ngày hè bổ ích. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích, mọi vấn đề liên quan đến dạy thêm của giáo viên trên địa bàn, mọi người dân đều có thể phản ánh đến ngành giáo dục để kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Theo khảo sát, tại thành phố Ninh Bình, việc dạy thêm, học thêm quy mô tại gia đình của các thầy, cô giáo hầu như đã không còn. Một giáo viên tại trường THCS Trương Hán Siêu, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết, thực hiện nghiêm quy định của phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, các thầy, cô giáo đã không dạy thêm ở nhà. Tại trường này, 100% giáo viên không dạy thêm tại nhà và sẽ duy trì ôn tập, dạy thêm cho các học sinh yếu kém và các đội tuyển học sinh giỏi tại trường trước khi vào năm học mới theo quy định .
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong tháng 6 và tháng 7/2016, hầu hết học sinh các trường học trong tỉnh không phải đến các lớp học thêm do thầy cô sắp xếp lịch từ cuối năm học như những năm học trước. Một giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình) cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình, Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến với toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường về quy định nghiêm cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Bản thân cô, ngay trong tháng 6 đã có nhiều phụ huynh liên hệ để gửi gắm con em mình, nhưng cô kiên quyết không nhận dạy thêm.
Đối với các trường tiểu học, việc dạy thêm, học thêm đã hoàn toàn chấm dứt. Trước quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình về việc cấm dạy thêm, học thêm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kêu gọi phụ huynh, người dân phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm tới các cơ quan có thẩm quyền, nhiều cô giáo dạy tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình khẳng định, thực sự không dám dạy thêm ở nhà vì luôn nơm nớp lo lắng và cảm thấy như tội phạm, xấu hổ nếu bị phát hiện…
Đồng chí Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngay từ khi kết thúc năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo các nhà trường, tập thể, cá nhân trong ngành không tổ chức dạy thêm, học thêm trong tháng 6 và tháng 7-2016 dưới mọi hình thức. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn thanh tra công tác dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Theo đó, trong tháng 7 và tháng 8/2016, Đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường tại hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh (bao gồm thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan).
Kết quả, cho thấy, về cơ bản, các phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, quán triệt, chấn chỉnh các nhà trường trong việc quản lý, kiểm tra tổ chức dạy thêm, học thêm của giáo viên theo quy định. Đồng thời quan tâm kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tại nhà riêng trái các quy định của UBND tỉnh và của ngành.
Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn gần chục giáo viên của 2 cấp học (THCS và THPT) của các địa phương dạy thêm tại nhà riêng. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các giáo viên dừng ngay việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh tại nhà riêng, viết báo cáo tường trình về việc này (làm rõ đối tượng học sinh, nội dung bồi dưỡng, số buổi dạy, chương trình giảng dạy…) gửi hiệu trưởng nhà trường; đồng thời yêu cầu hiệu trưởng các trường có giáo viên vi phạm có biện pháp xử lý, kỷ luật theo đúng quy định.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Văn Thông, việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục mà còn có trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Do vậy, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT, các nhà trường và chính quyền các địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của mỗi giáo viên; nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm. Điều quan trọng là cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý chất lượng giảng dạy, học tập ở mỗi nhà trường. Có như vậy, tình trạng dạy thêm, học thêm mới đi vào nền nếp, thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và dạy học trước chương trình.
Hạnh Chi