Ngồi giữa các bạn học tại khu ký túc xá, Saysamone, sinh viên năm thứ 4 Khoa Kinh tế kỹ thuật chẳng khác gì so với bạn bè khi cô cũng quần bò, áo dạ, giầy cao gót - trang phục hợp mốt của bất cứ cô gái Việt Nam nào trong mùa đông. Ngạc nhiên hơn khi hỏi chuyện Saysamone, cô nói tiếng Việt… như người Việt. Saysamone cho biết: Em sang Việt Nam từ năm 2010, là lứa sinh viên khóa đầu tiên sang học tập theo chương trình ký kết giữa 2 tỉnh Udomxay và Ninh Bình. Khi đó, em đang là cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Udomxay. Cũng như nhiều du học sinh tại Việt Nam, trước khi nhập học tại Đại học Hoa Lư, Saysamone đã trải qua 1 năm học tiếng Việt tại Sơn Tây. Tiếng Việt với cô rất gần gũi nên chỉ sau 4 - 5 tháng, Saysamone đã có thể nói sõi và biết sử dụng một số từ "lóng" trong giao tiếp. Vào học tại Đại học Hoa Lư, chỉ thời gian đầu còn bỡ ngỡ bởi môi trường học tập, sinh hoạt, nhưng được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, nhất là các bạn sinh viên cùng lớp, cùng khu ký túc xá nên cả Saysamone và các bạn sinh viên Lào đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Không còn những cách biệt về ngôn ngữ, dù một số bạn sinh viên Lào chưa rành rọt về câu chữ tiếng Việt trong học tập, nhưng bạn bè cùng lớp thường xuyên trao đổi, trò chuyện, giúp giải đáp các thắc mắc, băn khoăn… nên mối quan hệ bạn bè giữa sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam ngày càng khăng khít. Cũng như nhiều bạn sinh viên Việt Nam, Saysamone giờ rất sõi việc mua sắm, sinh hoạt tại Ninh Bình. Cô gái Lào vui vẻ tiết lộ: Ăn sáng thì em thường ra hàng xôi trước cổng trường, trưa thì ăn cơm bụi. Đi mua sắm quần áo thì rủ nhau ra phố "vải cân" Phan Đình Phùng, thỉnh thoảng đi siêu thị Big C…
Cũng sang học khóa đầu tiên như Saysamone, Sivongsac hiện là sinh viên năm thứ 4 Khoa Toán - Tin, đến từ Công an tỉnh Udomxay. ít nói và có gương mặt hiền lành, cậu sinh viên Lào rất ngại ngùng khi trò chuyện với phóng viên. Khi được hỏi về lý do chọn học Toán - Tin trong khi đã từng công tác trong lực lượng vũ trang tỉnh Udomxay, Sivongsac cho biết: Em muốn được đào tạo ở ngành Toán - Tin để khi về nước có thể đem những kiến thức được học truyền đạt lại cho những người đã đi làm như em nhưng cần bổ sung kiến thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, vượt lên khó khăn về ngôn ngữ trong giao tiếp, em được các bạn sinh viên Việt Nam giúp đỡ rất nhiệt tình về bài vở, về cách sử dụng từ ngữ trong giao tiếp, ứng xử, trong phát biểu trên lớp… Với bản thân em, vui nhất là mối quan hệ giữa bạn bè cùng lớp, cùng trường rất đoàn kết nên ngoài giờ lên lớp, sinh viên Lào và Việt Nam cùng rủ nhau đi chơi phố, đến chơi phòng các bạn cùng lớp, duy trì thường xuyên việc luyện tập môn bóng chuyền…
Theo anh Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng ban quản lý ký túc xá Trường Đại học Hoa Lư: Sinh viên Lào đến học tập tại trường đã hòa nhập rất nhanh với môi trường học tập, sinh hoạt tại Ninh Bình. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường và các bạn sinh viên cùng lớp, cùng khoa, cùng ký túc xá, các bạn sinh viên Lào đã chấp hành nghiêm các nội quy, quy định của trường, có nhiều nỗ lực vươn lên trong học tập, đặc biệt là hòa nhập rất nhanh với môi trường mới. Tuy nhiên, trong sinh hoạt, sinh viên Lào vẫn giữ được những "nét" riêng như: thích ăn xôi nếp, đồ nướng nhiều gia vị, mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ, Tết, đón Tết Lào với những phong tục đậm chất Lào như: lễ té nước, nghi thức buộc chỉ cổ tay để chúc nhau may mắn... Luôn quan tâm và thấu hiểu những phong tục truyền thống của người Lào, vào dịp Tết Lào hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường đều dành các điều kiện để sinh viên Lào được đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí đầm ấm với những nghi lễ không khác trên đất Lào. Những buổi lễ như thế có sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, sinh viên Lào và Việt Nam nên luôn tạo không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết. Thầy - trò cùng nhau vui điệu múa Lăm-vông, không thể bỏ qua nghi thức buộc chỉ cổ tay rồi bất chợt… đến tiết mục té nước… đã giúp sinh viên Lào vơi đi nỗi nhớ nhà, ấm lòng khi đang học xa quê hương. Saysamone tâm sự:
Mỗi dịp Tết Lào, do trùng với lịch học nên hầu hết sinh viên Lào không thể về đón Tết tại quê nhà. Nhưng với sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường nên chúng em đều cảm nhận được không khí Tết Lào dù đang sinh sống và học tập trên đất Ninh Bình... Dù đã đi về nhiều miền quê trong tỉnh Ninh Bình, đến tham quan nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Tam Cốc-Bích Động, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bái Đính - Tràng An… vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cùng các bạn sinh viên Việt Nam, nhưng Tết cổ truyền Việt Nam em và các bạn Lào chưa có dịp chứng kiến. Năm nay cũng là năm cuối cùng học tại Ninh Bình, em dự định sẽ dành thời gian nghỉ Tết về quê các bạn học cùng lớp để cảm nhận Tết của người Việt Nam và có thêm những kỷ niệm đẹp về mảnh đất, con người vùng đất Cố đô giàu truyền thống.
Quỳnh Vy