Tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường
Ông Đinh Đức Hưng, Trưởng Ban Liên lạc Đơn vị TNXP B4-C906 cho biết: Mùa thu năm 1968, giữa lúc chiến trường miền Nam đang bước vào thời kỳ cam go, 150 thanh niên ưu tú của quê hương Ninh Bình đã xung phong ra mặt trận và được biên chế vào 3 đơn vị TNXP C903, C905, C906 (sau này do yêu cầu của tổ chức, 3 đơn vị gộp lại và có phiên hiệu là B4-C906). Ngay khi hành quân đến đất Quảng Bình, đơn vị đã được phân công mở đường, phá tuyến và chốt giữ những trọng điểm quan trọng từ Ba Dền đến Ba Đồn (được xuất phát từ ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh)- lúc đó đang là điểm nóng của tuyến đường 15A. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại các cung đường nóng tuyến đường 15A, đơn vị lại được giao trọng trách chốt giữ các trọng điểm thuộc tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A từ đỉnh đèo Ngang đến Lệ Thủy, Quảng Bình, Vĩnh Linh. Trong đó có chốt cầu Hồ nằm trên trục đường giao thông chiến lược đường 1A thuộc xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) là địa bàn vô cùng khốc liệt, địch ngày đêm bắn phá nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, ngày 25/12/1968, trong khi toàn đơn vị đang san lấp hố bom tại chân cầu Hồ thì bị một tốp máy bay của Mỹ từ biển kéo vào thả bom vô cùng dữ dội làm 14 đồng chí trong đơn vị hy sinh cùng hàng chục chiến sĩ khác bị thương.
Là một trong số những người may mắn sống sót sau trận ném bom ngày 25/12/1968 của giặc Mỹ, bà Nguyễn Thị Thục, cựu TNXP thuộc đơn vị B4-C906 nhớ lại: Hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ đứng ở chòi gác máy bay địch. Khi nghe thấy tiếng máy bay, tôi chỉ kịp hô "nằm xuống"... Trong tích tắc, hàng loạt bom đã được thả xuống khu vực chân cầu Hồ và đã cướp đi sinh mạng của 14 người. "Thật tàn khốc. Đồng đội của tôi đã hy sinh khi còn quá trẻ...". Bà Thục rơm rớm nước mắt khi nhớ về những đồng đội đã hy sinh.
Trong số 14 TNXP đơn vị B4-C906 hy sinh tại chân cầu Hồ có liệt sĩ Phạm Thị Sửu quê ở Ninh Mỹ (Hoa Lư). Bà là vợ của cựu TNXP Trần Văn Tạo. Ông Tạo hiện đang sinh sống tại phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình). Sức ép của bom đạn trong chiến tranh và những lần vào sinh, ra tử đã làm cho sức khỏe và trí nhớ của ông Tạo giảm sút rất nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi có ai đó nhắc về đơn vị B4-C906 hoặc về trận đánh cầu Hồ, ông Tạo bật khóc, rồi nấc lên "vợ "em" đang nằm kia"... Bà Nguyễn Thị Lụa- vợ thứ 2 của ông Tạo cũng là TNXP cùng đơn vị B4-C906 đỡ lời chồng, bà cho biết: Hôm đó, ông Tạo đứng ở vị trí vợ bị ném bom không xa, nên ngay sau loạt bom, ông ấy đã cùng các đồng đội khác nhào tới để đào bới, hy vọng cứu được các TNXP đang bị vùi lấp dưới lòng đất sâu. Hy vọng vụt lên khi các đồng đội tìm thấy chị Sửu là người duy nhất vẫn còn sống. Ông Tạo vội bế vợ lên xe cứu thương để đưa vợ đến bệnh viện. Nhưng vì vết thương quá nặng nên chị ấy đã không qua khỏi...
Trong 3 năm từ 1968-1970, những Thanh niên xung phong đơn vị B4-C906 đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chốt giữ và đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ san lấp hố bom tại các trọng điểm: đèo Lý Hòa, cầu Hồ, phà Sông Gianh, ngầm Đá Mài, cầu Vĩnh Tuy, phà Quán Hàu, phà Long Đại (còn gọi là phà Long Đầu)... phục vụ cho các đoàn xe vận tải và quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Và trong 3 năm đó, nhiều chiến sĩ của đơn vị bị thương, 21 người hy sinh, tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường. Sự kiên trung của những người lính cựu TNXP đơn vị B4-C906 đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lập nên những chiến công huyền thoại, viết tiếp trang sử hào hùng của những người con đất Cố đô Hoa Lư- Ninh Bình.
Đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội
Kết thúc chiến tranh, trở về địa phương, các thanh niên xung phong đơn vị B4-C906 vẫn giữ vững bản chất "bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, cùng con cháu phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, điều mà ông Tạo, ông Hưng, bà Thục, bà Lụa và nhiều người đau đáu, đó là hiện nay một số hài cốt của các chiến sĩ B4-C906 còn nằm tại nghĩa trang Quảng Thọ (Quảng Trạch). Và để có được thông tin chính xác về phần mộ của các liệt sĩ B4-C906, Ban liên lạc đơn vị cũng như thân nhân các gia đình liệt sĩ đã mất rất nhiều công sức kết nối với chính quyền địa phương, ngành chức năng.
Cựu TNXP Trần Văn Tạo cho biết: Khi vợ tôi trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc tôi và các đồng đội trong đơn vị nhận nhiệm vụ của cấp trên di chuyển đến trọng điểm khác, nên di hài của vợ tôi và các liệt sĩ khác được giao lại cho nhân dân địa phương an táng. Chiến tranh khốc liệt, thông tin gián đoạn nên gia đình cũng không có nhiều thông tin về phần mộ của liệt sĩ Phạm Thị Sửu. Đến tận năm 2011, qua rất nhiều lần tìm kiếm ở khắp các nghĩa trang các xã của huyện Quảng Trạch cuối cùng tôi cũng tìm được phần mộ của vợ tôi- bà được nhân dân an táng tại nghĩa trang xã Quảng Thọ.
Cầu Hồ giờ đã được đổ bê tông rộng rãi, phục vụ 2 làn xe qua lại. Song ít ai biết được nơi này từng ghi dấu bao chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong đó có sự hi sinh kiên trung của các liệt sĩ đơn vị B4-C906. Điều đáng nói, trong trận ném bom của giặc Mỹ ngày 25/12/1968 tại chân cầu Hồ làm 14 TNXP hi sinh thì chỉ có 8 người tìm được phần mộ, 6 chiến sĩ khác thịt, xương của họ đã hòa vào lòng đất Quảng Hưng nhọc nhằn mà thủy chung, son sắt. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc và sự thôi thúc từ trái tim của những cựu TNXP đơn vị B4-C906, năm 2011 Đảng ủy, UBND xã Quảng Hưng, BCH Hội Cựu TNXP thành phố Ninh Bình, đơn vị B4-C906 đã lập tờ trình đề nghị Nhà nước hỗ trợ xây dựng bia tưởng niệm 14 chiến sĩ của B4-C906 cùng 21 chiến sĩ quân đội địa phương (xã Quảng Hưng) đã hi sinh tại cầu Hồ trong thời kỳ chống Pháp. Tờ trình đã được UBND huyện Quảng Trạch chấp thuận để xây dựng bia tưởng niệm tại khu vực cầu Hồ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay công trình vẫn chưa khởi công xây dựng.
Trong nhiều năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những cựu TNXP đơn vị B4-C906 vẫn tích cực dành dụm, đóng góp với hi vọng thêm một lần nữa được chung sức nhỏ bé của mình cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Hưng sớm xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, trong đó có 14 liệt sĩ B4-C906.
Ông Đinh Đức Hưng cho biết thêm: Hiện nay Đảng ủy, UBND xã Quảng Hưng và lãnh đạo huyện Quảng Trạch cũng đang nỗ lực để huy động các nguồn lực, sớm khởi công công trình nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ và dự kiến công trình được đặt ngay tại chân cầu Hồ. Công trình sẽ là nơi để những người cha, người mẹ, người vợ, người chị, người em, người anh về đây tìm lại bóng dáng người thân mấy mươi năm biền biệt không về; để những cựu binh hành hương về đây thăm lại chiến trường xưa và thức dậy kí ức những năm tháng tham gia chiến đấu cùng đồng đội. Đồng thời đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp họ biết trân quý giá trị của độc lập và tự do, từ đó tri ân các anh hùng liệt sĩ, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng...
Mai Lan