Trong những ngày cả nước hân hoan đón chào kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) đến thăm lão thành cách mạng Lê Văn Đôn.
Chuyện về lão thành cách mạng Lê Văn Đôn
Thấy khách đến thăm và biết chúng tôi là nhà báo, cụ Đôn vui vẻ nói: Thường xuyên được các đồng chí lãnh đạo xã, huyện, tỉnh quan tâm, hỏi thăm, động viên nên tôi rất phấn khởi. Càng mừng hơn khi đất nước ngày càng đổi thay, quê hương có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ kế cận có nhiều bước trưởng thành... Và rồi, những câu chuyện về cuộc đời, về quá trình tham gia cống hiến cho cách mạng lại ùa về qua ký ức của vị lão thành cách mạng đã ở tuổi "thất thập cổ lai hi".
Xuất thân trong gia đình bần nông ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như bao làng quê khác ở Việt Nam, người dân ở Nghĩa Phương nghèo đói bởi địa chủ nơi khác đến chiếm và liên kết với bọn Hương Lý cường hào áp bức dân làng. Chính vì lẽ đó người dân vô cùng căm phẫn.
Vốn là một người sáng dạ, được Việt Minh tuyên truyền, ông Đôn xin tham gia cách mạng và được cử làm tổ trưởng tổ tự vệ của xã, chịu trách nhiệm liên lạc bí mật với các cán bộ Việt Minh. Với lão thành cách mạng Lê Văn Đôn, những ngày cùng nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân là những ngày sục sôi khí thế cống hiến và cháy bỏng lý tưởng độc lập.
Lão thành cách mạng Lê Văn Đôn chia sẻ: Khi xin tham gia cách mạng, cán bộ Việt Minh đã nói với tôi: "Vào Việt Minh là gian khổ và sẵn sàng hy sinh cùng toàn dân phá xiềng xích nô lệ".
Với lòng căm thù giặc sâu sắc, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, ngay từ giây phút đầu tiên được tham gia cách mạng, tôi đã xác định được tinh thần thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ, do vậy, tôi đã cùng các đồng chí trong Tổ tự vệ ngày đêm hăng say luyện tập võ nghệ; tích cực tuyên truyền giáo dục để một số người dân làm lính cho thực dân Pháp đảo ngũ về quê và tham gia Tổ tự vệ của xã; vận động thợ rèn rèn dao, kiếm để trang bị cho Tổ tự vệ và nhân dân, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào mùa thu năm 1945.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, lần đầu tiên nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên đập tan ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai tại địa phương, giành lấy chính quyền về tay nhân dân và mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ nhân dân làm chủ quê hương và vận mệnh của mình.
"Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc của mình trong ngày 2/9/1945 - ngày cùng cả dân tộc đón Tết Độc lập đầu tiên. Hôm đó, trời Quảng Ngãi mưa tầm tã nhưng dòng người đi mít tinh hưởng ứng sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình thì dường như không ngớt.
Trái tim mọi người khi ấy đều hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi đó tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản tuyên ngôn bất hủ, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào cả nước và thế giới về nền độc lập, tự do của nước Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chúng tôi đã cùng nhau hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm"! "Hồ Chủ tịch muôn năm"! Thời khắc ấy, giây phút ấy thật thiêng liêng, cao quý và khó có thể tả hết niềm vui sướng của mọi người lúc bấy giờ, bởi từ thân phận nô lệ, nay mọi người đã "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi, ông Lê Văn Đôn gia nhập quân đội (trung đội Bùi Roan, thuộc đại đội Tư Nghĩa). Đến năm 1955, ông được lệnh đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Đây cũng là khoảng thời gian mà chế độ Ngô Đình Diệm truy diệt những người cộng sản nên vợ của ông là bà Hùynh Thị Bính đã bị chính quyền bắt ly khai với chồng, như vậy mới bảo toàn tính mạng cho cả gia đình. "Biết tin, tôi rất buồn và chấp nhận bởi hoàn cảnh lúc đó không thể làm khác.
Tôi tự nhủ mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa, sống, chiến đấu cùng đồng đội, cùng nhân dân với khát vọng đất nước hòa bình, độc lập, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, cho người thân nơi quê nhà"- lão thành cách mạng Lê Văn Đôn tâm sự.
Hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ cũng là cơ duyên để ông gắn bó với đất và người Ninh Bình. Năm 1961, ông kết hôn cùng bà Lê Thị Thiệp (một nữ du kích ở xã Khánh Nhạc).
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã cùng đồng đội tham gia các chiến dịch lớn, đó là chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Trị Thiên 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đất nước thống nhất, ông được đơn vị cho đi đào tạo chuyên môn, rồi về làm cán bộ ở Tòa án quân sự Quân khu 5. Đến tháng 3/1983 ông nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.
Đại diện chính quyền và các đoàn thể thăm hỏi Lão thành cách mạng Lê Văn Đôn.
Nhận quyết định nghỉ hưu là lúc ông có thể vui thú điền viên. Song, với tâm thức phải trở lại nguyên quán để cống hiến công sức, trí tuệ, góp sức phát triển kinh tế gia đình và cũng là cách để tri ân với mảnh đất quê hương đã sinh thành, dưỡng dục, ông quyết định hồi hương.
Những năm tháng này, ông tích cực tăng gia sản xuất, được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nam Phương (nay là xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Sau gần 10 năm cống hiến cho cố hương, năm 1989 khi những người con của ông ở Quảng Ngãi đã trưởng thành, ông trở lại Khánh Nhạc.
Từ đó Khánh Nhạc đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của ông. Suốt những năm tháng sau này, ông luôn phát huy tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương; động viên, giáo dục các con, cháu phải luôn biết trân quý giá trị của độc lập, tự do, không ngừng nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, trở thành những công dân tốt. Hiện ông có 9 người con, 20 cháu và 17 chắt.
Các con của ông đều khôn lớn, trưởng thành. Quá trình cống hiến tham gia cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trao tặng 10 huân, huy chương các loại cùng nhiều huy hiệu và kỷ niệm chương.
Năm 2015, được Tỉnh ủy Ninh Bình tặng Bằng công nhận người có công với cách mạng. 96 tuổi đời, 73 năm tuổi đảng, lão thành cách mạng Lê Văn Đôn vẫn thường xuyên đọc báo, nghe đài để cập nhật thông tin hàng ngày.
Chia tay chúng tôi, lão thành cách mạng Lê Văn Đôn không quên nhắn nhủ: Thế hệ chúng tôi đã sống, chiến đấu, kiến thiết, xây dựng quê hương bằng động lực, sức mạnh của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cốt lõi là niềm tin. Không có Đảng có lẽ nhiều người mãi sống cảnh lầm than, nô lệ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quê hương, đất nước đã đổi thay rất nhiều, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, tôi tin tưởng và kỳ vọng thế hệ trẻ hôm nay sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục truyền thống cha anh đi trước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.