Hiện tại, nông dân trong tỉnh đã chuyển trọng tâm sang khâu chăm sóc và bảo vệ lúa. Nhìn chung thời tiết, khí hậu hiện tại khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lại được chăm sóc kịp thời, nên lúa hồi xanh, bén rễ nhanh, sinh trưởng, phát triển khá đều. Đã có hàng trăm ha lúa được chăm sóc đợt 1, chủ yếu thuộc trà xuân sớm ở các huyện: Nho Quan, Gia Viễn và thị xã Tam Điệp. Theo đồng chí Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì công tác chăm sóc (bón phân, làm cỏ, sục bùn…) cần phải được tiến hành sớm, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật với phương châm "nặng đầu, nhẹ cuối"; bón đủ, bón cân đối lượng phân cần thiết cho lúa, đặc biệt chú ý đảm bảo đủ và kịp thời nước cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi trong cả vụ.
Đồng chí Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Căn cứ vào kế hoạch sản xuất của ngành, vụ đông xuân năm nay có tới 95% diện tích lúa thuộc trà xuân muộn với các loại giống chủ yếu là: Phú ưu 1, Phú ưu 2, Phú ưu 978, Thục hưng 6, Nhị ưu 838, Khang dân 18, QR1, Bắc thơm số 7, LT2, TBR 45, TBR 36, nếp… là những giống có tiềm năng năng suất cao, nhưng dễ nhiễm các loại sâu bệnh như đạo ôn, lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ…
Căn cứ vào tình hình thời tiết, loại cây trồng, diễn biến dịch hại trên đồng ruộng và quy luật phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh hại, Chi cục BVTV dự báo: Bệnh lùn sọc đen sẽ gây hại cục bộ trên các trà lúa, giống lúa, đặc biệt ở những vùng đã bị bệnh của vụ trước (Kim Sơn, Nho Quan, Yên Khánh) và trên các giống dễ nhiễm rầy như: Bắc thơm số 7, LT 2, Tạp giao. Quy mô, mức độ hại cao hơn vụ đông xuân trước. Bệnh đạo ôn trên lá phát sinh từ giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, cao điểm trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 3 đến trung tuần tháng 4. Bệnh hại nặng trên những ruộng xanh tốt, bón thừa đạm và ở các giống dễ nhiễm như: Nếp, Bắc thơm số 7, LT 2… Tỷ lệ bệnh trung bình 2,5%, nơi cao 10-20%, cá biệt có nơi tới 50%; quy mô, mức độ gây hại cao hơn vụ đông xuân trước. Trên cổ bông, bệnh hại cục bộ trên các trà lúa, cao điểm trong khoảng thời gian từ thượng tuần đến trung tuần tháng 5, quy mô và mức độ cao hơn vụ đông xuân 2011. Rầy nâu và rầy lưng trắng: Rầy cám lứa 1 ra rộ từ trung tuần đến hạ tuần tháng 3 với mật độ phổ biến 30 con/m2, nơicao 100-300 con/m2, cónơi tới 500 con/m2.
Rầy cám lứa 2 nở rộ từ trung tuần đến hạ tuần tháng 4, gây hại rộng trên các trà lúa ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông với mật độ phổ biến 350 con/m2, nơi cao 2.000-3.000 con/m2, có nơi 5.000-1 vạn con/m2, chủ yếu ở Yên Mô, Nho Quan, Kim Sơn, Yên Khánh; quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ đông xuân trước…
Đối với rầy, chú ý lứa 2 và lứa 3, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời có thể gây đỏ úa lúa, cháy ổ từng đám. Sâu cuốn lá nhỏ: sâu non lứa 1 hại rải rác trên các trà lúa từ trung tuần đến hạ tuần tháng 3 với mật độ trung bình 0,5 con/m2, cá biệt có nơi tới 15con/m2. Sâu non lứa 2 nở rộ từ trung tuần đến hạ tuần tháng 4, gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng, mật độ phổ biến 25 con/m2, nơi cao 50-100 con/m2, cá biệt có nơi tới 300 con/m2; quy mô, mức độ hại cao hơn vụ đông xuân trước, nếu không phát hiện phun trừ kịp thời có thể làm sơ trắng lá, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt lúa về sau này. Sâu non lứa 3 nở rộ từ trung tuần tháng 5 và gây hại cục bộ trên các trà lúa trỗ sau ngày 10-5, mật độ trung bình 20 con/m2,quy mô,mức độ hại thấp hơn vụ đông xuân trước. Sâu đục thân lúa 2 chấm, sâu non lứa 1 hại rải rác trên các trà lúa, mật độ nơi cao 0,2-0,5 con/m2; sâu non lứa 2 nở rộ từ thượng tuần đến hạ tuần tháng 5, gây hại cục bộ trên các trà lúa trỗ sau ngày 10-5 (các huyện phía Bắc tỉnh) và trỗ sau ngày 20-5 (các huyện phía Nam tỉnh) với tỷ lệ hại nơi cao 2-3%, cá biệt có nơi tới 10%, quy mô và mức độ hại tương đương với vụ đông xuân 2011.
Bệnh khô vằn gây hại rộng trên tất cả các trà lúa, giống lúa và cao điểm trong giai đoạn lúa phân hóa đòng đến trỗ bông, bệnh hại nặng trên những khu ruộng cấy dày, bón nhiều đạm, bón phân không cân đối, ruộng cạn nước… Ngoài ra, đối với cây lúa, còn phải chú ý các đối tượng gây hại khác như: Bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, chuột, ốc bươu vàng, rêu, bọ xít, nhện…
Trong thời gian tới, các địa phương và nông dân trong tỉnh cần tập trung và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cho lúa xuân, thực hiện điều tiết nước kịp thời, hợp lý; chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, làm cỏ sục bùn… tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi và các đối tượng dịch hại. Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng phát hiện kịp thời các đối tượng gây hại phát sinh, phát triển và tổ chức phun trừ sâu bệnh kịp thời khi đến ngưỡng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
Đinh Chúc