Vốn là cô gái có nhan sắc mặn mà, lại hiền lành, tốt bụng, chị Nhung lọt vào mắt xanh của không ít người đàn ông thành đạt. Nhưng, có lẽ nhờ chữ duyên đưa lối mà chị đã gặp anh Tầm trong một lần cả hai đi dự sinh nhật một người bạn chung. Chị Nhung vẫn còn nhớ ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với anh lính trẻ: vụng về, chân thật nhưng cứng cỏi, chững chạc. Và người lính trẻ ấy đã chinh phục được trái tim cô thôn nữ. Chị Nhung bảo, ngày mới yêu nhau, mỗi khi có ngày kỷ niệm lớn như mùng 8-3 hay 20-10 hoặc ngày sinh nhật, đôi khi chị không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Nhìn những bạn bè cùng trang lứa được người yêu chiều chuộng, đón đưa thì chị lại chỉ có một mình. Nhưng chị Nhung đã chấp nhận và sẵn sàng vượt qua tất cả.
Chị Nhung tâm sự: chị yêu hình ảnh người lính ngay từ nhỏ. Tâm hồn chị được tưới mát bởi những câu chuyện về người lính mà cha mẹ chị vẫn thường hay kể. Nơi đảo xa chỉ có bạt ngàn cây rừng, sóng, gió, và bốn bề là biển làm bạn. Nơi đảo xa thiếu thốn đủ bề song người lính vẫn lạc quan, yêu đời. Bố chị xưa cũng là bộ đội. Bố đi dọc theo cuộc trường chinh của đất nước. Khi bố trở về, mái tóc mẹ đã ngả màu. Mẹ bảo chị, những vất vả ấy có nếm trải mới hiểu được. Đôi khi, không đơn giản chỉ là cố gồng mình để làm những việc vốn dĩ là của giới mày râu, mà là nỗi buồn xa vắng ở tận trong tâm hồn. Nhưng càng xa cách, mẹ càng thương, yêu bố chị hơn. Bởi vậy, dù có nhiều ý kiến phản đối vì sợ chị sau này sẽ vất vả, song mẹ lại là người ủng hộ tình yêu của chị nhiều nhất. Và đám cưới của chị đã diễn ra vào mùa thu năm 2009. Một đám cưới đơn giản, ấm cúng với hình ảnh anh mặc bộ quân phục, còn chị mặc áo dài trắng...
Kịp có với nhau một mặt con, anh Tầm tình nguyện ra công tác tại đảo Tiên Nữ với nhiệm vụ chính là làm công tác Báo vụ. Vợ chồng còn chưa kịp thuộc hết tính nết của nhau thì lại phải xa nhau.Vậy là từ hôm ấy, căn nhà trọ vốn chật chội lại trở nên trống trải. Hai mẹ con chị lại đơn côi trong nỗi nhớ chồng, nhớ bố khắc khoải. "Thời bình, mà vợ lính xa chồng đằng đẵng là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Nhiều khi con ốm, mẹ đau, nội ngoại đều ở xa không biết bấu víu vào đâu. Nhìn vợ chồng người ta bên nhau hạnh phúc em cũng thấy tủi thân lắm. Lúc đó, chỉ cần có một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ.."- chị Nhung nói. Nhưng rồi chị lại tự mình an ủi mình, phải thật vững vàng để trở thành điểm tựa cho con và để cho chồng yên tâm công tác. Dù ở nhà có khó khăn, nhưng cũng không so sánh với sự hi sinh của các anh và đồng đội nơi đầu sóng, ngọn gió. Chị Nhung lại mạnh mẽ, tất bật lấy công việc làm niềm vui. 6 giờ sáng, chị đưa con đi nhà trẻ rồi vượt hàng chục km đến nơi làm. 6 giờ tối, chị mải mốt về nhà như thể không muốn cô con gái bé bỏng một phút phải cô đơn. Tắm rửa cho con rồi nhóm lửa nấu cơm, nghe con gái ríu rít kể cho mẹ nghe chuyện trường, chuyện lớp, mọi vất vả, mệt nhọc bỗng chốc tan biến. Bữa ăn đạm bạc, chút thức ăn ngon chị Nhung phần cho con. Vất vả, khó khăn là đó song hơn tất cả đó là niềm tự hào, kiêu hãnh vì mẹ con chị đã có một tình yêu lớn ngoài đảo xa.
Bù lại thiệt thòi sau những ngày xa cách ấy là tình yêu, sự cảm phục của anh Tầm dành cho vợ con. Xa nhau, ở hai đầu nỗi nhớ, tình cảm của họ gửi gắm qua những trang thư, rồi theo tàu biển vượt chặng đường hàng trăm hải lý đến với nhau. Chị Nhung xúc động: bây giờ phương tiện liên lạc hiện đại hơn nhiều. Chúng tôi thường xuyên được nghe giọng nói của nhau qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Song, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác xúc động mỗi lần nhận được thư của anh. Vỏn vẹn vài dòng nhưng chất chứa bao yêu thương. Bằng tình yêu ấy, chị Nhung lại can trường vượt qua khó khăn nuôi con khôn lớn để chồng yên tâm công tác, chỉ mong anh vững vàng, bền chí, bền lòng phụng sự Tổ quốc. Đáp lại lòng mong mỏi của vợ, thiếu úy Nguyễn Trung Tầm càng hăng say làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người Báo vụ. Anh đã kề vai, sát cánh cùng đồng đội ngày đêm bám biển, sẵn sàng chấp nhận hi sinh quên mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Hùng