Men theo con đường mòn vào thôn Quảng Thành, xã Quảng Lạc không khó để tìm ra ngôi nhà nhỏ của chị Nhội. Vừa đặt chân tới sân, tôi đã nghe thấy những tiếng hò hét, đập phá xoong, nồi. Lấy lại bình tĩnh tôi cất tiếng hỏi, chị Nhội ở trong bếp bước ra. Sau một vài câu chào hỏi xã giao chị đã có những phút trải lòng đầy cảm động về cuộc sống của mình, về những người anh, người chị đã ngoài 60 mà vẫn như những đứa trẻ con cần được chăm sóc từng li, từng tí.
Chị Nhội sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em. Người chị cả và người anh thứ hai bị tâm thần từ nhỏ, người chị thứ 3 thì đi lấy chồng ở xa chẳng mấy khi về nhà. Là em út trong gia đình nhưng mọi gánh nặng lại đổ dồn hết lên đôi vai của chị. Bố mẹ mất sớm, anh, chị thì mắc phải chứng bệnh "điên điên, khùng khùng", nhiều khi nghĩ tới cuộc sống của mình chị thực sự cảm thấy bế tắc và muốn bỏ đi thật xa. Nhưng máu mủ ruột già, nghĩ về anh chị, chị lại cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm bởi nếu chị không đứng ra lo cho anh, chị của mình thì chẳng còn ai có thể lo cho họ nữa cả.
Gạt đi dòng nước mắt còn lăn dài trên má nhìn về phía anh, chị mình, chị Nhội nói: "Đây là chị Tu sinh năm 1946, sinh ra đã không khỏe mạnh, suốt ngày chỉ hò hét và đập phá. Còn đây là anh Công sinh năm 1950 cũng bị tâm thần từ nhỏ, ít nói nhưng rất hay nổi nóng và đánh người".Ngồi lặng đi một lúc chị Nhội kể tiếp câu chuyện của mình. Có những bữa cơm vừa sắp ra thì đúng lúc anh chị mình lên cơn, hất đổ hết đồ ăn, đập bát đũa rồi lại nhảy nhót không chịu ăn. Có những khi cả hai lên cơn cùng lúc lao vào đánh chị, chị cũng chỉ biết chịu đòn và kêu bà con hàng xóm sang giải vây.
Điều đó diễn ra thường xuyên và giờ đây đã trở thành thói quen khiến chị cũng không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Sau mỗi lần như thế, chị thường tìm cách nhẹ nhàng dỗ dành anh, chị để họ trấn tĩnh lại. Nhìn đồ đạc trong nhà chẳng còn gì đáng giá, lại lộn xộn mỗi thứ một nơi như một bãi chiến trường chị nói: "Đấy chú xem trong nhà mà chẳng khác nào cái ổ chuột, vừa thu dọn song thì anh, chị tôi lại lục tung lên. May mà có bà con hàng xóm mỗi người cho một ít đồ dùng sinh hoạt chứ không thì chẳng biết lấy gì mà dùng".
Ngoài việc đồng áng, chị Nhội chẳng còn nguồn thu nhập nào đáng kể, vì thế những khó khăn về vật chất càng khiến chị phải lo nghĩ nhiều hơn. Cả ngày đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ ăn, chị phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Kinh tế đã khó khăn, đời sống tinh thần lại gần như là không có. Đối với chị một giấc ngủ ngon thôi cũng đã là điều gì đó quá xa xỉ, bởi có những khi vừa chợp mắt thì hai người thân bị bệnh tâm thần kia lại quấy phá khiến chị không ngủ được. Chị cũng chẳng dám đi đâu xa, chỉ quanh quẩn từ nhà ra ruộng. Mỗi lần ra ngoài là chị lại phải nhốt anh chị của mình trong nhà, có những khi chị mải làm là họ lại bỏ nhà đi khiến chị phải nhờ cả làng, cả xóm đi tìm.
Nói về tuổi thanh xuân của mình, chị Nhội im lặng một hồi lâu rồi chị nói: "Có lẽ số tôi nó vậy, ngày trẻ cũng có một số người muốn hỏi cưới nhưng là phận con gái, lấy chồng thì phải theo chồng. Tôi mà lập gia đình thì ai lo cho anh, chị nên thôi đành vậy. Lâu rồi tôi cũng không nghĩ tới điều đó nữa". Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn người phụ nữ ấy cũng muốn có được một gia đình hạnh phúc, một bờ vai của người đàn ông làm chỗ dựa nhưng trách nhiệm, tình cảm ruột thịt khiến chị vứt bỏ đi tất cả để chăm lo cho người thân của mình. ở cái tuổi 57 nhưng chị chưa có một ngày vui, một ngày yên bình thực sự. Những sóng gió và khó khăn của cuộc sống thường nhật khiến chị nhìn già hơn rất nhiều so với tuổi thật của mình.
Trước khi chia tay chị Nhội, tôi hỏi mong muốn lớn nhất của chị vào lúc này, chị nói: Chỉ mong anh, chị không đập phá, không bỏ nhà đi là đã mừng lắm rồi, còn cuộc sống có khó khăn đến đâu thì cũng cố gắng vượt qua...
Bài, ảnh : Đàm Văn Nghị