Cùng Đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh về một số xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh chiếu phim phục vụ bà con nhân dân trong tỉnh nhân ngày giải phóng Miền Nam 30-4 và ngày Quốc tế lao động 1-5, mới thấy bà con nông thôn vẫn háo hức đón chờ xem phim và chia sẻ công việc với những người làm công tác chiếu bóng, nhận thấy, nghề chiếu bóng lưu động tuy còn những khó khăn, vất vả nhưng mang đầy ý nghĩa... Tại thôn Hang Nước, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), mới cuối buổi chiều, tiếng loa phát thanh của xóm đã phát đi chương trình chiếu phim buổi tối khiến người người, nhà nhà nhanh tay sắp xếp, bố trí công việc nhà nông cũng như đẩy nhanh bữa ăn tối để kịp xem chương trình chiếu phim vào lúc 19h30.
Ông Nguyễn Văn Phi, trưởng thôn Hang Nước vui vẻ cho biết: Thôn có 210 hộ dân với gần 700 khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu là trồng các cây công nghiệp như dứa, sắn với công việc nhà nông tương đối bận rộn; tuy nhiên, khi được thông báo có Đội chiếu phim về chiếu tại NVH thôn thì bà con đều háo hức và bố trí công việc để đến xem kịp thời gian.
Là thôn không xa trung tâm thành phố Tam Điệp nhưng nằm sâu trong vùng trồng dứa của Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, mặc dù hiện các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, đài, Internet cũng rất phát triển, được người dân đăng ký sử dụng nhiều, nhưng những buổi chiếu bóng hàng năm được tổ chức tại thôn luôn được nhiều người dân yêu thích và hào hứng đi xem. Bà Đinh Thị Tỵ, 79 tuổi, thôn Hang Nước đến từ khá sớm.
Mới hơn 19h bà đã đến NVH thôn để xem phim. Vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa xem phim hài và phe phẩy chiếc quạt nan, bà cho biết: Chúng tôi là những người có tuổi, những buổi chiếu bóng như thế này gợi nhớ về thời tuổi trẻ đất nước còn thiếu thốn, người người, nhà nhà náo nức khi có chiếu bóng về làng.
Giờ đất nước có phát triển, có đổi mới thì loại hình chiếu bóng vẫn có chỗ đứng riêng trong tôi và nhiều người khác. Điều đáng quý là, tại thôn Hang Nước này, thế hệ trẻ cũng vẫn rất thích xem phim của đội chiếu bóng, hàng chục đứa con, cháu nhà tôi đều ra cả đây để xem phim.
Anh Mầu Quang Huy, phụ trách Đội chiếu phim lưu động số 1 cho biết: Hơn 7 năm tham gia chiếu phim lưu động tôi thấy mừng là vẫn còn được nhiều người dân yêu thích và đón đợi. Niềm vui và mong muốn của chúng tôi chỉ đơn giản là đi đến đâu được nhiều bà con hưởng ứng và xem phim nhiệt tình nhất.
Như tại thôn Hang Nước, hàng năm chúng tôi đều có những buổi chiếu phim tại đây và luôn được cán bộ cũng như người dân trong thôn ủng hộ, tạo điều kiện. Cụ thể như tạo điều kiện về sân chiếu, ghế ngồi, điện thắp sáng, quạt mát… để đội hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt, đi tới đâu, đội chiếu phim cũng được các đồng chí cán bộ và bà con cơ sở mời những bữa cơm thân mật với tình cảm chân tình, chan hòa như người nhà khiến chúng tôi rất xúc động và thêm yêu nghề.
Cũng theo anh Mầu Quang Huy, dù phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại nhưng hoạt động chiếu bóng lưu động vẫn đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trên hết là góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân vùng nông thôn.
"Chừng nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người dân vùng nông thôn chưa được đáp ứng đầy đủ thì chiếu bóng lưu động vẫn là lựa chọn không thể thiếu. Hơn nữa, những buổi chiếu bóng lưu động này giúp duy trì tính cộng đồng - nét văn hóa đẹp của làng quê, nên các buổi chiếu phim lưu động vẫn thu hút khá đông người dân đến xem phim".
Như minh chứng cho lời mình nói, anh Huy nhẩm tính sơ bộ tại buổi chiếu phim tại thôn Hang Nước cũng có gần 300 người dân đến xem. Ghế không đủ, chỗ ngồi gần không còn nên người dân ngồi lên cả yên xe máy, trên các bờ tường và đứng xem rất tập trung, chăm chú.
Theo nghề đã hơn 30 năm nay, anh Trần Văn Tuyến, thành viên đội chiếu phim lưu động số 2 chia sẻ, mặc dù hiện tại, nghề chiếu phim lưu động cũng gặp một số khó khăn nhưng vẫn có rất nhiều niềm vui khiến anh tiếp tục theo nghề cho đến khi về nghỉ hưu.
Đó là khi đến với bà con vùng sâu vùng xa, đội vẫn được cán bộ chính quyền địa phương tạo điều kiện và người dân thì nhiệt tình hưởng ứng.
Mỗi tháng đều đặn, dù mưa hay nắng, đội vẫn lên đường và tổ chức chiếu từ 15-24 buổi. Những ngày mưa có hơi vất vả hơn nhưng tùy điều kiện của địa phương để các đội chiếu phim khắc phục chiếu trong hội trường ủy ban xã, trường học hoặc nhà văn hóa thôn, thậm chí làm rạp để chiếu.
"Với chúng tôi, nhiều người gắn cả tuổi thanh xuân với nghề, luôn trân trọng và hiểu sứ mạng của người làm chiếu bóng lưu động, do vậy những khó khăn vất vả không làm chúng tôi chùn bước. Chúng tôi chỉ sợ khán giả quay lưng với loại hình chiếu bóng mà thôi" - anh Tuyến tâm sự thêm.
Đó là lý do, trong số 15 người tham gia 3 đội chiếu phim lưu động của Trung tâm thì có đến 5 người đã gắn bó vài chục năm với nghề, nay đã đến tuổi sắp về hưu, còn lại nhiều người cũng đã xấp xỉ hàng chục năm theo nghề. Khi được hỏi có khi nào các anh muốn bỏ nghề, nhiều thành viên các Đội chiếu bóng lưu động đều cho rằng, trải qua khá nhiều năm, vui có, buồn có nhưng không ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
Được biết, để phát huy hiệu quả của hoạt động chiếu bóng lưu động, vài năm gần đây, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh đã quan tâm đầu tư xe vận chuyển thiết bị; đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, thuận tiện; chủ động thay đổi phương thức hoạt động, chú ý đến các hình thức tuyên truyền như: sử dụng loa cổ động trước các buổi chiếu; thông báo thời gian, địa điểm, nội dung buổi chiếu cụ thể đến nhân dân để huy động người xem; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để tìm sự ủng hộ, tạo điều kiện…
Do đó nhiều năm qua, hoạt động chiếu phim của Trung tâm chiếu phim luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Hàng năm, các đội chiếu phim lưu động tổ chức phục vụ trên dưới 400 buổi chiếu, thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến xem.
Bài, ảnh: Hạnh Chi