Ông Quách Sĩ Cừ, Trưởng thôn Đá Thượng cho biết: Thôn Đá Thượng là một trong 2 thôn đầu tiên của huyện Nho Quan được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh (năm 1999), hơn chục năm nay thôn vẫn giữ vững danh hiệu đáng quý đó. Với số dân không nhiều, chỉ có 41 hộ với 141 khẩu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không giàu có nhưng người dân thôn Đá Thượng luôn có ý thức xây dựng, cộng đồng văn minh, tiến bộ. Hiện thôn không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, 100% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; nhà văn hóa thôn được nhân dân tự giác đóng góp tiền của, ngày công xây dựng khang trang, sạch đẹp; 95% đường liên gia đã được bê tông, phấn đấu hết năm 2013, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông kiên cố, sạch sẽ…
Điều đáng ghi nhận ở thôn Đá Thượng khiến nhiều thôn, xóm, làng, bản phải học tập và làm theo là trong các đám cưới, đám ma và lễ hội, kể cả các cuộc hội họp của thôn đều không sử dụng thuốc lá; người dân ý thức rõ việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nên thi đua thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước của làng. Từ đó tình đoàn kết làng, xóm, tinh thần vì cộng đồng được phát huy. Nhiều năm nay, chi bộ và các tổ chức đoàn thể của thôn Đá Thượng liên tục đạt được những thành tích nổi bật, là thôn tiêu biểu, xuất sắc của xã Lạng Phong và huyện Nho Quan.
Được biết, Lạng Phong là xã miền núi, có 9 thôn với 947 hộ và trên 3.400 khẩu, trong đó 1/3 dân số theo đạo Thiên chúa giáo. Các thôn, xóm thi đua phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm văn hóa, hướng đến cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, hạnh phúc…Nhân dân xã Lạng Phong tổ chức các đám cưới trang trọng, tiết kiệm theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, phù hợp với phong tục, nghi lễ của địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Các thủ tục chạm ngọ, ăn hỏi, xin cưới, đón dâu, đăng ký kết hôn… đều được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, đúng pháp luật, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật. Thống kê từ tháng 6-2011 đến hết tháng 3-2013, toàn xã có 115 đám cưới, trong đó có 112 đám cưới (chiếm 97,3%) tổ chức cưới theo hình thức văn minh, tiết kiệm. Các thôn tiêu biểu, gương mẫu thực hiện tốt việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là: Sào Thượng, Sào Hạ, Đá Thượng, Trung Hạ, Tam Đồng, Tràng An…
Việc tổ chức lễ tang trên địa bàn xã được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Lạng Phong giao cho Ban văn hóa xã chủ trì, các đoàn thể, cán bộ thôn và cộng đồng dân cư quan tâm giúp đỡ, tiến hành chu đáo, trang nghiêm, thể hiện tình cảm tiếc thương với người quá cố.
Từ tháng 6-2011 đến tháng 3-2013, trên địa bàn xã có 334 đám tang; trong đó có 56 đám tang được đánh giá là thực hiện tốt các nội dung cải tạo tập quán lạc hậu. Các tập tục lạc hậu như trừ tà, yểm bùa, lăn đường đã được xóa bỏ; trên địa bàn xã không còn trường hợp lợi dụng tâm linh như mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà. Việc tổ chức lễ tang, phúng viếng đều đảm bảo trang trọng, phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc. Thời gian tổ chức lễ tang được thực hiện đúng quy định, các ban nhạc hiếu không hoạt động quá 22h đêm. Hiện tượng sử dụng nhạc hiếu bằng loa nén, âm lượng lớn, gây ồn ào, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng giảm đáng kể. Hầu hết các đám hiếu, trên đường đưa tang không rắc tiền thật, hạn chế rắc tiền vàng mã, việc tổ chức ăn uống chỉ gói gọn trong nội bộ gia đình, an táng đảm bảo hợp vệ sinh, đúng quy định, không để người chết trong nhà quá 24h. Một số đám hiếu đã hạn chế mang vòng hoa, bức trướng…
Các thủ tục sau việc tang như lễ cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và cải táng đều được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, thực hiện đúng phong tục và đạo lý, không phô trương, lãng phí…
Các lễ hội truyền thống của làng, lễ hội nhân dịp Lễ, Tết được Đảng ủy xã quan tâm chỉ đạo sát sao, trong đó có sự nỗ lực của các thôn, xóm. Xã có 2 tôn giáo chính là Thiên chúa giáo và Phật giáo, trong đó Thiên chúa giáo có 255/954 hộ, với trên 1 nghìn khẩu.
Hiện trên địa bàn xã có 6 cơ sở thờ tự chính, gồm 5 đình và 1 phủ. Đình Tân Phong tại thôn Sào Thượng được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, hàng năm tổ chức lễ hội vào dịp tháng Giêng, tháng Tám (âm lịch) với quy mô và các hoạt động lễ hội ngày càng được mở rộng. Tại các đền, chùa, nhà thờ, nơi thờ tự… khi tổ chức các hoạt động lễ hội, thờ cúng, đều có nghi lễ trang trọng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan, đốt vàng mã với số lượng lớn đều được hạn chế. Thông qua các hoạt động lễ hội góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ về tổ tiên, cội nguồn, bảo tồn và phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
Thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Lạng Phong đã có những chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc. Hiện xã có 3 thôn được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh; 5 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện; 5 cơ quan được công nhận cơ quan văn hóa.
Đời sống kinh tế liên tục phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt: hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,9%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo … Với những kết quả đạt được, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), xã Lạng Phong được UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Hạnh Chi