Những năm gần đây, để nâng cao năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, những hộ làm mộc ở Ninh Phong đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc hiện đại. Tuy nhiên, các vụ tai nạn lao động cũng vì thế mà tăng lên. Anh Phạm Văn Việt, một thợ mộc ở Ninh Phong đã có thâm niên trong nghề. Cách đây 3 năm, trong lúc xẻ gỗ, anh Việt bị máy cưa cắt mất một ngón tay. Anh Việt kể lại giây phút kinh hoàng đó: Thời điểm đó đang là mùa hè, nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Trong khi đó, những cơ sở làm mộc vẫn phải dùng chung với nguồn điện sinh hoạt nên nguồn điện sản xuất không ổn định, lúc khỏe, lúc yếu. Trong lúc xẻ gỗ, máy đang chạy ỳ ỳ bỗng "lồng" lên vì nguồn điện bất ngờ mạnh lên. Không làm chủ được đường cưa, tay tôi đã bị máy cưa cắt mất một đốt.
Đây cũng là nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn lao động khác ở làng mộc Ninh Phong. So với nhiều trường hợp tai nạn khác thì trường hợp của tôi vẫn còn là may mắn. Nhiều thợ mộc từng bị máy bào lột da, vẹt ngón tay, nhất là các thợ trẻ chưa có kinh nghiệm. Có người bị máy cưa "ăn" mất 4 ngón tay.
Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của công tác bảo hộ lao động của người thợ còn hạn chế. Việc đào tạo nghề mộc còn tồn tại nhiều bất cập. Tại làng nghề, việc truyền, dạy nghề vẫn theo lối cầm tay chỉ việc, "trăm hay không bằng tay quen". Hầu hết làng nghề đều không có thợ được đào tạo từ các trường nghề. Trong khi đó, đa phần các loại máy được sử dụng có nguồn gốc từ nước ngoài, sách hướng dẫn sử dụng viết bằng ngoại ngữ nên người thợ chỉ biết học nhau hay tự mày mò, sáng tạo để làm việc. Chính vì thế, họ thiếu những kỹ năng cơ bản trong vận hành máy móc, xây dựng, bài trí lán xưởng không đúng tiêu chuẩn (diện tích, ánh sáng, vị trí đặt máy…) nên khó tránh được những tai nạn rủi ro đáng tiếc.
Bên cạnh những rủi ro làm việc với máy móc, người thợ và cả người dân ở làng nghề còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm bụi gỗ, hóa chất phun sơn, tiếng ồn từ máy cưa, xẻ, bào... Mặc dù thường xuyên phải tiếp xúc với những chất độc hại như bụi mùn cưa, sơn... nhưng người thợ vẫn chủ quan, không có các dụng cụ bảo hộ chuyên dụng.
Ông Bùi Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Phong cho biết: Trước thực trạng đó, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải có nhiều hành động thiết thực để làng mộc Ninh Phong phát triển bền vững, đáp ứng được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động đến tận các khu dân cư thông qua hệ thống loa phát thanh, cấp phát tài liệu đến tận các hộ làm nghề. Đồng thời, chúng tôi cũng mời các giáo viên về tập huấn cho các hộ làm nghề mộc. Tại lớp học, các học viên không chỉ được huấn luyện nâng cao tay nghề mà còn trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về công tác bảo hộ lao động, cách để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Cùng với đó, chính quyền địa phương tích cực làm việc với các đơn vị liên quan như ngành điện lực để hoàn thiện hệ thống điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất của những hộ làm nghề, đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân xã cũng có các buổi giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong nghề mộc về các tiêu chí như đảm bảo quyền lợi hợp pháp, bảo vệ an toàn lao động cho người lao động…
Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn các đơn vị khắc phục hạn chế để sản xuất an toàn. Nhờ sự vào cuộc tích cực, thời gian qua công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ở làng nghề mộc Ninh Phong đã có chuyển biến rõ nét. Những vụ tai nạn lao động đã không còn xảy ra. Người lao động đã sử dụng các dụng cụ bảo hộ như kính mắt, khẩu trang… trong quá trình sản xuất.
Đào Hằng