Đến trường mầm non Thanh Bình, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) đúng lúc các cô giáo của các nhóm tuổi đang cho các cháu uống sữa sau giờ vận động buổi sáng. Mỗi cháu sau khi tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động đầu buổi sáng được bổ sung một ly sữa bột của hãng NutiFood để tiếp tục cho các hoạt động học và chơi tại lớp, tại trường trước khi ăn bữa chính buổi trưa vào lúc 10h30. Cô giáo Phan Thị Phương Diệp, Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Bình cho biết: Thực ra, việc đưa sữa vào trường học cho các cháu mầm non đã được nhà trường triển khai từ vài năm học nay và nhận được sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua chỉ là đưa vào áp dụng 1 tuần từ 2-3 buổi uống sữa, chưa được thường xuyên, đều đặn. Năm học 2016-2017, thực hiện theo sự chỉ đạo của ngành giáo dục, nhà trường đã tích cực tuyên truyền trong các cuộc họp phụ huynh về lợi ích sữa học đường dành cho các trẻ mầm non cũng như mức kinh phí mà phụ huynh phải đóng góp; từ đó tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện chương trình sữa học đường. Theo đó, hiện gần 300 trẻ mầm non và mẫu giáo của trường mầm non Thanh Bình được uống sữa liên tục vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, vào thời gian buổi sáng sau giờ hoạt động đầu giờ, mỗi lần 1 cốc sữa bột NutiFood pha ấm, tùy theo độ tuổi quy định ở từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo đánh giá của các giáo viên giảng dạy và phụ huynh, việc tăng thêm các bữa sữa cho thấy, hầu hết trẻ em trong trường tăng cân, khỏe mạnh, hoạt bát, đặc biệt đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng. Qua đánh giá đầu năm và giữa học kỳ I, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi vào đầu năm học là 10 cháu, sau hơn 3 tháng đã giảm 4 cháu, chỉ còn 6 cháu. Đồng thời, với việc cha mẹ các cháu chỉ phải đóng thêm khoảng 2 nghìn đồng/ngày (trước đây trẻ ăn 3 bữa là 17 nghìn đồng/ngày, nay ăn thêm bữa phụ sữa bột, giá tiền ăn trong ngày là 19 nghìn đồng) đã tạo sự thống nhất, ủng hộ thực hiện của các bậc phụ huynh trong toàn trường.
Đối với trường mầm non Tân Thành, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình), mặc dù hiện nay nhà trường mới đưa được 2 bữa sữa/tuần vào trường cho các cháu nhưng đó cũng là sự cố gắng bước đầu của các cô giáo chăm sóc trẻ. Cô giáo Phạm Thị Thêu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có trên 370 học sinh với 9 nhóm lớp. Trẻ đang ăn mức ăn hiện nay là 17 nghìn đồng/trẻ/ngày, việc đóng góp tăng thêm đối với nhà trường hiện chưa phù hợp do điều kiện kinh tế của các phụ huynh trên địa bàn không đồng đều. Để các cháu có thêm sữa uống trong các bữa phụ, nhà trường đã tính toán, trên cơ sở số tiền mua phiếu ăn của phụ huynh, nhà trường thực hiện nhiều cách để tiết kiệm chi phí cho giá thành suất ăn của trẻ, như trồng thêm rau sạch tại trường, tự làm một số món ăn trong bữa phụ của các cháu như sữa chua, sữa đậu nành, kem, chè các loại…, vừa đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP vừa có giá thành rẻ hơn mua ngoài. Hiện trẻ em trong trường được uống 2 bữa sữa trong tuần, vào ngày thứ 2 và thứ 5 sau khi ngủ dậy lúc 14h chiều. "Chúng tôi mong muốn và tiếp tục vận động, tuyên truyền để phụ huynh hiểu hơn lợi ích của sữa bột đối với lứa tuổi mầm non, đây là "lứa tuổi vàng" cho sự phát triển về trí tuệ và thể chất, giúp trẻ em được cải thiện tầm vóc. Từ 2 bữa sữa hiện nay, tiến tới ủng hộ việc đưa sữa cho trẻ vào tất cả các ngày trong tuần, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục của nhà trường… "- cô Thêu chia sẻ thêm.
Theo Quyết định phê duyệt "Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2020 là: 90% bố mẹ, người thân chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% ở nông thôn được truyền thông, giáo dục, tư vấn về dinh dưỡng; 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo và 70% vùng thành thị được uống sữa theo chương trình sữa học đường; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi trung bình từ 0,6-0,7%/năm; đặc biệt đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5-2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010…
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình sữa học đường đến các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền rộng rãi chương trình sữa học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của uống sữa…, từ đó giúp cải thiện dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao, trí tuệ của trẻ mầm non, tiểu học, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung của Chính phủ, đồng thời góp phần phát triển nguồn nhân lực của địa phương trong tương lai.
Hạnh Chi