Kỳ 2: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp OCOP
Mong muốn của người trong cuộc Theo ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2018-2020, định hướng của tỉnh là ưu tiên lựa chọn sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương đạt yêu cầu chất lượng; chủ thể có đủ năng lực sản xuất tham gia Chương trình, trong đó tập trung hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ chuẩn hóa sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí của OCOP.
Vì thế, khó khăn nhất đối với các chủ thể được chọn tham gia chương trình OCOP là hoàn thiện hồ sơ sản phẩm (hồ sơ công bố chất lượng và các quy trình giám sát, quản lý sản phẩm; hệ thống tem nhãn truy xuất nguồn gốc; đăng ký mã số, mã vạch toàn cầu); thiết kế hệ thống nhận diện sản phẩm; truyền thông, quảng cáo; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ....
Cơm cháy Tràng An 999 là sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương. Mỗi năm, doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số thành phố lớn phía Nam từ 25 đến 30 tấn sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu khi tham gia chương trình OCOP và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, địa bàn tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, nhà xưởng, máy móc.
Ông Lê Hữu Hảo, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Linh Phương cho biết: Hiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm cơm cháy Tràng An 999 đảm bảo để tham gia OCOP. Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề hoàn thiện một số nội dung phụ trợ như: logo, mã xuất, mã vạch, kiểu dáng công nghiệp... Do đó, doanh nghiệp mong muốn các ngành chức năng sớm vào cuộc để sản phẩm có cơ hội vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Băn khoăn, vướng mắc của Doanh nghiệp tư nhân Linh Phương cũng là trăn trở của HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn. "Hiện chúng tôi đang chờ đơn vị tư vấn, các cơ quan chức năng sớm triển khai hỗ trợ về mẫu mã, thủ tục hồ sơ... theo tiêu chuẩn OCOP"- ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết.
Bên cạnh khó khăn về hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hiện nay, các chủ thể sản xuất có năng lực sản xuất chưa thực sự mạnh, nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu khi tham gia chương trình, nhiều đơn vị, cá nhân có kế hoạch mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nguồn vốn lại hạn hẹp, vì thế họ mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa để có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay.
Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát với xuất phát điểm là cơ sở sản xuất nhỏ, chuyên về các mặt hàng quà lưu niệm. Năm 2017, được tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện cho thuê đất, Công ty mở rộng sản xuất lên 5.000 m2, trong đó 3.000 m2 đã xây nhà xưởng, lắp ráp các dây chuyền, thiết bị, bước đầu đi vào sản xuất ổn định.
Ngoài các sản phẩm bát, đĩa, ấm chén, Công ty phát triển thêm nhiều mặt hàng mới như bình giả cổ, bình phong thủy, tranh gốm sứ có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2018, Công ty sản xuất trên 26.000 sản phẩm các loại, đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Với tiềm năng phát triển, sản phẩm gốm của Công ty được chọn tham gia Đề án OCOP của tỉnh, ông Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát cho biết: Để sản phẩm gốm đạt tiêu chí là sản phẩm OCOP, Công ty cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, phát triển thị trường, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất. Do vậy, mong muốn lớn nhất của Công ty là được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư và phát triển, từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Tích cực hỗ trợ các chủ thể sản xuất
Chương trình OCOP là chương trình Quốc gia về tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng, có lợi thế của địa phương đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo các cấp độ từ 1 sao đến 5 sao. Các sản phẩm phải có nhãn mác, thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng.
Theo Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020, đến hết năm 2020, Ninh Bình phấn đấu hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa tối thiểu 11 sản phẩm hiện có; phát triển 13 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP; chứng nhận 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao; phát triển 1 đến 3 làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao. Bên cạnh đó, củng cố 10 đến 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn hiện có; phát triển mới khoảng 5 đến 7 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP...
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, để thực hiện mục tiêu này cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cá nhân đang gặp phải khi tham gia chương trình, tới đây Ninh Bình tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020 gắn với Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên phạm vi toàn tỉnh để nhân dân hiểu được lợi ích, giá trị kinh tế và nhân văn khi tham gia Chương trình. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đẩy mạnh và quán triệt tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP, đưa Chương trình vào nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai thực hiện thường xuyên. Tăng cường triển khai các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý từ tỉnh, huyện, xã và sự hiểu biết của cộng đồng về Chương trình OCOP.
Các cấp, các ngành phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm được chọn tham gia OCOP hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu. Thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh theo Bộ Tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm của Chương trình OCOP. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tham dự các kỳ xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP thường niên.
Chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo Đề án và kế hoạch đã đề ra. Trước mắt, trong năm 2019, tập trung hỗ trợ phát triển hoàn thiện và tiêu chuẩn 9 sản phẩm đã lựa chọn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Những năm tiếp theo tiếp tục lựa chọn các sản phẩm nằm trong 33 sản phẩm thế mạnh mà tỉnh đã khảo sát để tham gia OCOP và khuyến khích các doanh nghiệp, HTX có đã có sản phẩm OCOP phấn đấu nâng mức cao hơn.
Đối với khó khăn về vốn, Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo mọi điều kiện, áp dụng các chương trình cho vay vốn ưu đãi của Trung ương và của tỉnh để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu các sản phẩm riêng của Ninh Bình. Điều này có tác động tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hồng Giang