Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, tính đến hết năm 2015, trên địa bàn 119 xã nông thôn toàn tỉnh có 732.135 người dân sử dụng nước hợp vệ sinh
từ các loại hình cấp nước nhỏ lẻ và tập trung, chiếm 92,2%, tăng 2,08% so với năm 2014.
So với mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra thì chỉ tiêu người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đã về đích trước một năm.
Đồng chí Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước nông thôn theo hướng đồng bộ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 105 công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, khai thác, trong đó 19 công trình hoạt động bền vững (18,1%); 51 công trình hoạt động bình thường (48,6%); 12 công trình hoạt động không hiệu quả (11,4%).
Như vậy, trên địa bàn tỉnh hiện có 82 công trình đang hoạt động cấp nước, chủ yếu phân bố tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô và Yên Khánh, hầu hết các trạm cấp nước này đã phát huy vai trò cấp nước cho nhân dân nông thôn trên địa bàn.
Trong quá trình quản lý, khai thác các công trình cấp nước, Trung tâm đã chú trọng duy tu, nâng cấp, sửa chữa và khắc phục những hạng mục xây lắp, máy móc, thiết bị công nghệ hư hỏng, các trạm hoạt động không hiệu quả hoặc bị xuống cấp để khôi phục và nhanh chóng đưa các công trình hoạt động trở lại bình thường; qua đó góp phần cung cấp nước sạch liên tục cho người dân sử dụng.
Cùng với việc cung cấp nước sạch, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn cũng được chú trọng, thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp nâng cao nhận thức và hành động của người dân cùng thực hiện theo phương châm xã hội hóa vấn đề này.
Số liệu thống kê của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có 94% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu (tăng 0,31% so với năm 2014), trong đó 71,02/% nhà tiêu hợp vệ sinh; khoảng 53,05% số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 81,32% số trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 89,08% số trạm y tế xã có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đây là những tỷ lệ được đánh giá đạt mức khá cao so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trên cả nước trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, so với mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thì tỷ lệ trường học và trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh chưa đạt (theo Chương trình đến năm 2015, 100% số trường học và trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiếp tục trình UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các dự án hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường để tăng số nhà tiêu hợp vệ sinh.
Phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020. Trung tâm cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh thực hiện Thông tư 54 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung, giao các đơn vị tiếp nhận các trạm cấp nước để các đơn vị tự chủ trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng, đào tạo công nhân, tự công bố chất lượng nước định kỳ theo quy định nhằm nâng cao chất lượng nước, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng công trình.
Đồng thời, mong muốn nhận được sự phối hợp, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các đơn vị cấp nước, doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ nguồn nước, công trình và các đường ống cấp nước.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam