Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT)
cho biết: Qua điều tra khảo sát và báo cáo của UBND các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 loại sản phẩm chủ lực có thể thực hiện chu trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Trung ương theo 6 bước và nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm". Huyện Gia Viễn có mắm tép, cá nước ngọt, thảo dược và các sản phẩm dược liệu. Huyện Kim Sơn có ngao, tôm, dưa, rượu, thảo dược, may mặc, hàng thủ công từ cói, bèo bồng, mây tre.
Huyện Hoa Lư có thịt dê, cá rô Tổng Trường, gạo Tràng An, đá mỹ nghệ, dịch vụ du lịch. Huyện Yên Mô có nem chua Yên Mạc, cơm cháy, rau cần, rau rút, giò, chả, nấm ăn, dược liệu, ngô ngọt, lúa chất lượng cao, lạc, gốm sứ, bún bánh. Thành phố Tam Điệp có nước dứa, cây đào phai.
Thành phố Ninh Bình có hoa tươi, đồ gỗ nội thất. Huyện Nho Quan có khoai sọ, gạo nếp cau Thường Xung, cá đồng ruộng trũng, gà đồi Cúc Phương, lợn Mường, dê núi, mật ong, nhung hươu, bò. Huyện Yên Khánh có bún bánh, nấm các loại, đồ lưu niệm trang trí nội thất...
Trong các sản phẩm trên có 33 sản phẩm thuộc 6 nhóm có thế mạnh, gồm: Nhóm thực phẩm có 18 sản phẩm; nhóm đồ uống có 2 sản phẩm; nhóm thảo dược 2 sản phẩm; nhóm vải, may mặc có 2 sản phẩm; nhóm lưu niệm, trang trí nội thất có 5 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch có 4 sản phẩm. Đã có 13 sản phẩm đăng ký công bố chất lượng sản phẩm: Thực phẩm 9, đồ uống 2, thảo dược 1, lưu niệm trang trí nội thất 4 và 11 sản phẩm đăng ký bảo hộ trí tuệ: (Thực phẩm 9, đồ uống 2).
Tham gia sản xuất các sản phẩm trên hiện có 2.472 tổ chức, cá nhân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh: 32 công ty cổ phần, 12 doanh nghiệp tư nhân, 9 tổ hợp tác, 8 HTX, 2.411 hộ sản xuất với trên 10.700 lao động, trong đó 22 nghệ nhân, 30 người có chứng chỉ nghề... Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 1.577,65 tỷ đồng/năm; trong đó năm 2016 đạt 1.722,48 tỷ đồng.
Các sản phẩm trên chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa; một số sản phẩm có xuất khẩu như: Nước hoa quả lạnh, ngô ngọt đóng hộp của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao; sản phẩm mỹ nghệ từ cói, bèo bồng, mây tre.
Toàn tỉnh cũng có 81 làng nghề được công nhận với các sản phẩm độc đáo, đa dạng: Hàng thủ công mỹ nghệ (đá mỹ nghệ, thêu ren, chiếu cói, mây tre đan, bèo bồng, gốm sứ); sản phẩm ẩm thực; cây cảnh. Một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thương trường: Thịt dê, cơm cháy Hoa Lư; mắm tép Gia Viễn; ngao, rượu Kim Sơn... mang đậm truyền thống của mỗi vùng quê.
Ông Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cũng cho rằng: Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là một nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu đó nhiệm vụ trước mắt là điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh ở mỗi vùng, quy hoạch hướng phát triển và xây dựng Đề án triển khai thực hiện.
Tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành về chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP và các sản phẩm.
Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực: Thịt dê; cơm cháy; nem chua Yên Mạc; ngao Kim Sơn; cá rô Tổng Trường; các sản phẩm đông lạnh và đóng hộp; rượu Kim Sơn; hàng thêu ren; hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo bồng, mây tre; các dịch vụ lữ hành du lịch...
Phát triển các sản phẩm mới, như: gạo Tràng An, thảo dược và các sản phẩm dược liệu, cây đào phai, hoa tươi. Lồng ghép các nguồn lực, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm đến mọi vùng miền.
Đinh Chúc