Trong quá trình phát triển kinh tế, Yên Mô đã tiến hành nhiều giải pháp tích cực góp phần giảm nghèo, nhằm tạo ra bước đột phá mới. Huyện đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách như: Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, ưu tiên xóa nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện (Yên Đồng, Yên Thái và Yên Thành).
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Đề án số 15 của UBND tỉnh về "Công tác giảm nghèo đến năm 2010", huyện Yên Mô đã xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi địa phương. Các xã, thị trấn trong huyện đã chủ động khai thác có hiệu quả quỹ đất nông, lâm nghiệp, mặt nước và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo.
Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được huyện tập trung phát triển với phương châm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, con nuôi nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích cánh tác. Các xã Yên Thành, Yên Đồng, Yên Thái tiếp tục mở rộng mô hình lúa + cá và hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ nghèo trong việc đào đắp ao đầm, mua con giống. Nhất là việc mở rộng diện tích vụ đông, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ và có nhiều loại cây cho giá trị kinh tế cao như: Lạc, đậu tương, bí xanh...
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Yên Mô đang chú trọng phát triển công nghiệp bằng việc tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, nhằm thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, năm 2008, huyện đã tập trung cho xây dựng điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở 5 xã: Yên Lâm, Yên Đồng, Yên Phong, Yên Nhân, Yên Hòa và Khánh Thượng. Hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển CN-TTCN ở 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Sân gofl 54 lỗ hồ Yên Thắng sẽ là điểm đến lý tưởng của khách du lịch. Ưu tiên đào tạo nghề mới, nâng cao tay nghề về may công nghiệp, làm nứa chắp, trồng nấm, chèo thuyền... cho các lao động ở 3 xã trên. Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã mở 53 lớp dạy nghề CN-TTCN cho 21.000 lượt người với tổng kinh phí đào tạo trên 1,2 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho 3.500 lao động và 9.000 lao động có việc làm thêm với mức thu nhập từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.
Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, trong 9 tháng đầu năm 2008, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 2.250 lao động, giải quyết việc làm thêm cho trên 6.200 người, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Xuất khẩu lao động được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Gần 2 năm qua (từ năm 2007 đến nay), toàn huyện đã đưa 575 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở thị trường: Đài Loan, Đu- bai...
Huyện triển khai dự án làm đường giao thông nông thôn, đường đến trung tâm các xã: Yên Đồng, Yên Thái và Yên Thành với tổng chiều dài trên 35 km, tổng kinh phí đầu tư là trên 78 tỷ đồng. Hiện nay, các tuyến đường này đang được khẩn trương thi công, hoàn tất. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đã được đề ra như: Xây dựng Trạm bơm cầu Đằng (Yên Đồng), Từ Đường (Yên Thái), Cống Đanh (Yên Thành) với tổng kinh phí xây dựng là 5 tỷ 931 triệu đồng... cùng nhiều tuyến đê, cầu cống đã và đang khẩn trương được nạo vét, sửa chữa, xây mới nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy, phục vụ tốt việc tưới tiêu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các xã: Yên Đồng, Yên Thành, Yên Thái còn được hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình như: Trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xóm... với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Các công trình này được hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống dân sinh ở các vùng trong huyện còn nhiều khó khăn.
Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", phát huy sức mạnh tổng hợp để giảm nghèo, Yên Mô đã xây dựng, thực hiện các chính sách, dự án và hoạt động trợ giúp người nghèo. Trong 2 năm qua, huyện đã huy động các tầng lớp nhân dân ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào Quỹ "Ngày vì người nghèo". Số tiền này đã được dùng để thăm hỏi người nghèo khi ốm đau, gặp rủi ro; hỗ trợ người nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh, xây mới, sửa chữa nhà ở dột nát...
Để người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, Yên Mô đã thực hiện công khai các chủ trương hỗ trợ và kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo, các doanh nghiệp đầu tư vào các xã nghèo. Hiệu quả nhất phải kể đến nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến hết tháng 10- 2008, số dư nợ cho vay của Ngân hàng này đã lên tới 218,5 tỷ đồng, trong đó số dư nợ của 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện là trên 21 tỷ đồng...
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn, Yên Mô còn thực hiện khá tốt các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã cấp 11.885 thẻ BHYT cho người nghèo và đã có 3.750 lượt người được khám, chữa bệnh miễn phí với tổng kinh phí là trên 300 triệu đồng. Các hoạt động miễn giảm học phí, tặng quà cho học sinh nghèo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn... được tổ chức thường xuyên.
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trên, Yên Mô đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,73% (năm 2007), giảm 11,44% so với năm 2005. Ước tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 11%, riêng 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện thì con số này chỉ còn từ 12,75% - 14,5%, đạt mục tiêu đã đề ra.
Đức Nghĩa