Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh ta trong năm qua?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Trong năm 2013, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở tỉnh ta đã nỗ lực triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới"; Quyết định số 1555/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020", qua đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cả về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 100% trẻ em được đi học bậc tiểu học đúng độ tuổi; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 1,4%; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc, được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên trong cuộc sống.
Đã có 125 xã, phường, thị trấn trong tỉnh dành quỹ đất và đầu tư xây dựng được các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em với tổng số 727 điểm vui chơi cho trẻ em ở thôn, xóm, phố, khu dân cư. Đến cuối năm 2013 đã có 135 xã, phường, thị trấn, chiếm 93,1% đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
P.V: Thưa đồng chí, những trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm và toàn xã hội "tiếp sức" như thế nào để ổn định cuộc sống và tiếp tục đến trường?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Hiện nay, ở tỉnh ta có gần 7 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc các nhóm đối tượng: trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong các gia đình nghèo. Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để chăm lo ổn định cuộc sống, tạo những điều kiện tốt nhất cho các em được học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí và có cơ hội phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh đã có gần một nghìn em được hưởng chính sách trợ cấp xã hội của Nhà nước với mức hỗ trợ từ 180.000 đồng - 360.000 đồng/người/tháng; trong số 568 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi có 38 em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh, số còn lại đã được người thân và các gia đình, các cá nhân với tấm lòng hảo tâm nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng và nhận làm bố mẹ nuôi đối với các cháu. Chính quyền và nhân dân ở nhiều địa phương đã dành quỹ đất và huy động các nguồn lực để xây dựng những ngôi nhà tình thương cho các cháu. Trẻ em khuyết tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình - phục hồi chức năng miễn phí. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em dân tộc, trẻ em sống trong các gia đình nghèo được miễn giảm học phí và một số khoản đóng góp trong quá trình học phổ thông, học nghề...
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2013, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO triển khai Chương trình hành động nhằm bảo vệ trẻ em lao động và phòng, chống, xóa bỏ lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh và nhân dân về vấn đề lao động trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, có cơ hội được hưởng các quyền của trẻ em.
Tỉnh ta cũng đã huy động các nguồn lực, nhất là từ nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các nhà hảo tâm cho Quỹ "Bảo trợ trẻ em" để tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật và đưa đi phẫu thuật an toàn, miễn phí cho 51 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, gia đình nghèo tại Trung tâm tim mạch Bệnh viện E - Hà Nội với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, bình quân mỗi ca phẫu thuật hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng. Đặc biệt đã hỗ trợ đưa 6 trẻ em bị bệnh nặng sang Hàn Quốc phẫu thuật an toàn, lấy lại sự sống và nụ cười cho các em. Phối hợp với Tổ chức SAP - VN và chỉ đạo Trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng Tam Điệp phẫu thuật an toàn, miễn phí cho 195 trẻ em khuyết tật vận động. Phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba phẫu thuật miễn phí cho 29 trẻ em sứt môi hở vòm họng.
PV: Thưa đồng chí, để Tháng "Hành động vì trẻ em" năm nay đạt hiệu quả thiết thực, ngành tập trung vào những giải pháp gì?
Đ/c Nguyễn Phong Phú: Tháng "Hành động vì trẻ em" năm 2014 với chủ đề "Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em" nhằm hướng tới phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, bóc lột để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện.
Để Tháng hành động vì trẻ em đạt hiệu quả thiết thực, ngành đã và đang tập trung triển khai thực hiện một số hoạt động chủ yếu: Vận động, kêu gọi các tổ chức, các cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình phúc lợi, các chương trình hỗ trợ cho trẻ em; Tăng cường các hoạt động truyền thông vận động xã hội như: tổ chức gặp mặt, biểu dương trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em miền núi, dân tộc và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiêu biểu về tinh thần vươn lên trong học tập và rèn luyện đạo đức; tổ chức các cuộc tư vấn cộng đồng, diễn đàn với trẻ em nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho lãnh đạo các ngành, giáo viên các trường THCS, Tiểu học, mầm non trên địa bàn, các bậc phụ huynh và cho trẻ em…
Triển khai các hoạt động hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật. Phấn đấu huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa để tất cả trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh, bị khuyết tật vận động, bị sứt môi, hở vòm họng…có hoàn cảnh khó khăn đều được phẫu thuật miễn phí; phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi và mùa hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (thực hiện)