Thời gian qua, các ngành thành viên và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, trong đó nổi bật là tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới doanh nghiệp và người lao động bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Bình; hướng dẫn bằng văn bản để các doanh nghiệp tổ chức thực hiện; tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu đối thoại trực tiếp, thông qua các buổi hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, đình công; phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động; biên soạn và phát hành cẩm nang về pháp luật lao động; Luật Công đoàn và các chính sách bảo hiểm xã hội; phát hành nhiều tờ rơi, ấn phẩm, tranh áp phích và sách các loại; giải đáp các đơn thư thắc mắc về chế độ, chính sách của người lao động qua điện thoại, địa chỉ email và qua đường bưu điện; trả lời những vấn đề pháp lý còn vướng mắc của doanh nghiệp về lĩnh vực lao động, xuất nhập khẩu, phòng cháy chữa cháy, thành lập doanh nghiệp thông qua các cuộc tọa đàm, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của sở, các ngành thành viên...
Đặc biệt, công tác tập huấn được các ngành tích cực triển khai. Điển hình như trong vài năm trở lại đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 34 hội nghị tập huấn về pháp luật lao động cho trên 500 lượt người tham dự là đại diện người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác nhân sự, công đoàn tại các doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý lao động của ngành Lao động, thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội…Tổ chức 23 cuộc phổ biến, giao lưu đối thoại trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động với 7.000 người tham dự; tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện, hỗ trợ huấn luyện, hội thảo, lớp xây dựng hệ thống quản lý về công tác ATVSLĐ cho 6.500 người là cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, thành phố và người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ, người lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tiến hành tư vấn về công tác ATVSLĐ tại 115 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 308 cuộc "Giao lưu - đối thoại" trong tháng công nhân hàng năm tại các cơ quan, doanh nghiệp với sự tham gia của 21.069 lượt người; 557 buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề cho 19.429 lượt người; Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn, trong đó 02 lớp cho người sử dụng lao động với 150 người và 2 lớp cho 165 người lao động thường xuyên trong các hợp tác xã. Hàng năm, các cấp, các ngành đã lồng ghép thông qua các chương trình của lớp bồi dưỡng, cập nhật chủ trương, chính sách mới về kinh tế tập thể, các hội thảo, hội nghị đầu bờ, từ đó tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, trong đó có nội dung bảo đảm an toàn vệ sinh lao động được diễn ra đồng bộ, rộng khắp... Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp tổ chức, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật lao động và các văn bản liên quan; thường xuyên tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận, tìm hiểu các quy định của pháp luật lao động, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật lao động.
Một hoạt động nổi bật nữa trong công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh là công tác thanh, kiểm tra về an toàn lao động đã được đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Riêng trong Tháng ATVSLĐ lần thứ 1, Ban chỉ đạo Tháng ATVSLĐ tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra về việc tổ chức Tháng ATVSLĐ và công tác ATVSLĐ tại 10 doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố đã tổ chức 65 cuộc kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã tổ chức tự kiểm tra để phát hiện các nguy cơ rủi ro và xây dựng phương án giảm thiểu; rà soát các nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được xây dựng, bổ sung.
Cùng với đó, Công an tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại 500 cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị các cơ sở khắc phục thiếu sót, sơ hở không đảm bảo an toàn PCCC. Công an tỉnh cũng đã tổ chức 97 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng cơ sở với 2.100 lượt người tham dự, tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại chợ Rồng Ninh Bình...
Sau các đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã tổng hợp, đánh giá, khái quát vấn đề để chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở, đơn vị có cùng đặc điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rút kinh nghiệm chung theo chuyên đề. Các đoàn thanh, kiểm tra cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các kiến nghị để nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, tập trung vào một số nội dung: thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; chấn chỉnh công tác quản lý, kỹ thuật an toàn… qua đó, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đều nghiêm túc thực hiện các kiến nghị và có báo cáo kết quả việc thực hiện kiến nghị cho các cơ quan tham gia đoàn thanh, kiểm tra.
Nguyễn Hùng