Là một trong những xã bị ngập lụt nặng của huyện Nho Quan, xã Gia Thủy có trên 1.600 hộ dân bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản, hoa màu, nuôi trồng thủy sản, vật nuôi… của người dân bị thiệt hại và mất trắng. Cả tuần nay, một số thôn như Liên Phương, Ngọc Nhị vẫn bị mất điện, mọi sinh hoạt của người dân rất thiếu thốn và khó khăn. Nắm bắt được thực tế đó, ngay sau khi mưa tạnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiên phong đi đầu kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền và quà thăm hỏi người dân xã Gia Thủy. Theo đó đã có 1 nghìn thùng mì tôm, 1 nghìn thùng nước uống được chuyển ngay đến những người dân thuộc các thôn ngập úng nặng, góp phần giúp họ yên tâm vượt qua khó khăn trước mắt.
Ông Trần Văn Tác, thôn Liên Phương, xã Gia Thủy cầm trên tay thùng mì tôm và nước uống xúc động cho biết: Nhiều năm sống ở vùng lũ, chúng tôi đã lường trước những khắc nghiệt của thời tiết và luôn chuẩn bị cho mình phương án phòng chống lụt bão, mưa úng hiệu quả. Tuy nhiên năm nay, mưa to và lũ đổ về quá nhanh, bất thường, nên người dân chúng tôi không xoay sở kịp. Đặc biệt nước lũ dâng to nhanh chóng và ngập nặng đến gần 2m khiến nhiều nhà bị ngập hoàn toàn, thiếu nhiều thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống. Rất may, chúng tôi thấy mình không đơn độc, những phần quà mang ý nghĩa thiết thực của các nhà hảo tâm đã giúp chúng tôi ấm lòng, ấm bụng trong mưa lũ lạnh lẽo.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Xác định rõ trách nhiệm của Hội là hoạt động nhân đạo, cứu trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, bão lụt, ngay khi nắm được thông tin tình hình mưa lũ có diễn biến phức tạp, Hội chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo và cử cán bộ các phòng chuyên môn phối hợp với Hội chữ thập đỏ các huyện, thành phố nắm bắt tình hình người dân vùng lũ, kịp thời vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nhân dân; đồng thời phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương tổ chức tiếp nhận, trao tặng, hỗ trợ nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn.
Kết quả, chỉ sau gần 1 tuần phát động (từ ngày 11-16/10), Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi được gần 2 nghìn thùng mì tôm, 1,5 tấn gạo, gần 2 nghìn thùng nước lọc tinh khiết, 200 chiếc đèn pin và hàng nghìn xuất quà là lương khô, bánh mì, thuốc thiết yếu… với tổng giá trị gần 650 triệu đồng, trong đó quà bằng tiền mặt là 20 triệu đồng, còn lại bằng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, góp phần vơi bớt khó khăn cho nhân dân vùng lũ. Thời gian tới, các cấp Hội chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ thêm nhiều những phần quà ý nghĩa, chung tay cùng xã hội chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con vùng lũ, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, góp phần động viên, an ủi, giúp các gia đình vơi bớt một phần khó khăn, nhanh chóng vươn lên ổn định cuộc sống.
Các địa phương tùy vào điều kiện thực tế của mình đã dành nguồn kinh phí nhất định từ ngân sách để hỗ trợ người dân. Đặc biệt, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", chỉ vài ngày sau mưa lũ, hàng trăm đoàn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã phát động phong trào quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị ngập lũ. Tính đến ngày 17/10, đã gần 200 đoàn thiện nguyện, cứu trợ trực tiếp đến gần 20 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn tặng quà bằng tiền và hiện vật với hàng chục nghìn suất quà, trong đó chủ yếu là mì tôm, gạo, bánh mì, sữa, nước lọc, lương khô và hàng nghìn mặt hàng thiết yếu khác như muối, mì chính, rau xanh, thuốc chữa bệnh... Tổng giá trị các phần quà trên 3 tỷ đồng, trong đó bằng tiền mặt hơn 300 triệu đồng. Hiện nay, tất cả các hộ có nhà bị ngập, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do mưa lũ đều được UBND các xã cấp phát quà, không để trường hợp người dân nào bị thiếu đói, gặp rét.
Với tinh thần hướng về đồng bào vùng lũ, chia sẻ khó khăn cả về vật chất và tinh thần, những ngày tiếp theo, phong trào quyên góp, ủng hộ người dân vùng mưa lũ, ngập úng vẫn được tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn. Những việc làm mang ý nghĩa, lợi ích thiết thực của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm, lực lượng vũ trang và các tầng lớp người dân trong và ngoài tỉnh đã động viên nhân dân vùng ngập úng thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và lao động, sản xuất.
Bài, ảnh: Hạnh Chi